Thị trường xuất nhập khẩu
Vẫn có “cửa” thâm nhập thị trường Hàn Quốc
19/12/2013

Hàn Quốc được đánh giá là thị trường XK tiềm năng của Việt Nam đối với những mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, để XK được sang thị trường này, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ quy trình, yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà thị trường này đặt ra.

Quy định ngặt nghèo

Là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, chiếm đến 38% thị phần với 150 điểm bán hàng và sở hữu 20 chi nhánh bán lẻ ở nước ngoài, ông Chang Hun Lee, đại diện của Tập đoàn bán lẻ E-Mart cho biết, để được vào hệ thống siêu thị E-Mart, hàng hóa cần phải vượt qua các bước kiểm tra, đánh giá rất khắt khe từ nhà bán lẻ này.

Cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng thị trường và hồ sơ của các nhà XK, E-mart sẽ kiểm tra các thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm như: Thành phần làm nên sản phẩm, yếu tố dinh dưỡng, quy trình sản xuất của các nhà máy. Sau khi đã qua được bước kiểm tra hồ sơ, E-Mart sẽ lấy mẫu hàng để đi kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua các thí nghiệm.

Khi hàng hóa đã đảm bảo được yêu cầu, đáp ứng được các tiêu chí chất lượng, E-Mart sẽ thực hiện đàm phán và ký kết hợp đồng, trong đó thoả thuận về điều khoản hợp đồng, giá, lượng hàng và điều kiện thanh toán. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra hồ sơ, thử nghiệm sản phẩm thường diễn ra trong thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm bởi có rất nhiều tiêu chí được đưa ra.

Đơn cử như quy trình kiểm tra thành phần sản phẩm, nếu chỉ đáp ứng được 99% yêu cầu cũng bị loại. Hoặc các chỉ số về thành phần dinh dưỡng đều phải được liệt kê đầy đủ và tuân thủ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Còn theo ông Ho Yeo Lee, đại diện Công ty CJ Cheiljedang (một DN thực phẩm tốt nhất của Hàn Quốc), việc đánh giá đối tác NK không dựa trên cơ sở DN đó lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của quá trình hợp tác. Quy trình và yêu cầu NK của CJ Cheiljedang khá nghiêm ngặt với 3 giai đoạn: Đánh giá ban đầu, đánh giá sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nếu 3 giai đoạn này đạt yêu cầu, CJ Cheiljedang mới lập quy trình buôn bán với đối tác.

Đánh giá về tiềm năng XK của các mặt hàng nông sản sang Hàn Quốc, nhưng ông Hae Moon Chung, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN Hàn Quốc tỏ ra lo ngại, mặc dù các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Hàn Quốc nhưng Việt Nam vẫn đang gặp những khó khăn để mở rộng thị phần tại Hàn Quốc do các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường này khá muộn, chất lượng và mẫu mã không khác nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc vẫn được coi là một trong những thị trường khó tính nhất tại khu vực châu Á do những rào cản kỹ thuật tương đối phức tạp, chẳng hạn như tuyệt đối không chấp nhận những sản phẩm có sử dụng phẩm màu, chất tẩy trắng...

Còn cơ hội

Dù được nhận định là khó nhưng hiện nhiều DN Hàn Quốc đã "nhắm" tới thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm như thủy sản, cà phê, rau, quả chế biến, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc. Đại diện của Tập đoàn bán lẻ E-Mart cho hay, Tập đoàn luôn có nhu cầu tìm kiếm, mở rộng các đối tác cung cấp hàng từ nhiều thị trường khác nhau để có nguồn hàng đa dạng, chất lượng tốt với giá cả phù hợp cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, tập đoàn này rất quan tâm đến thị trường nông sản, thực phẩm và luôn chú trọng tìm kiếm các nhà XK có tiềm năng từ Việt Nam.

Phía Công ty CJ Cheiljedang, ông Ho Yeo Lee cho biết, Công ty đã NK nhiều loại nguyên liệu nông sản từ miền Bắc nước ta và mong muốn có sự hợp tác đầu tư để xây dựng nguồn hàng tại Việt Nam. Đơn cử như với lĩnh vực hàng nông sản, CJ Cheiljedang hiện đang thực hiện dự án đẩy mạnh đầu tư của DN tư nhân với các sản phẩm cải thảo, ớt - là nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm kim chi, món ăn không thể thiếu của người Hàn Quốc.

Ngoài ra, đồ đóng hộp, đồ ăn vặt, trái cây... là những sản phẩm mà người Hàn Quốc có thói quen tiêu dùng, nên CJ Cheiljedang muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này. "Chúng tôi đang thực hiện chiến lược liên quan đến từng lĩnh vực lớn như: Kinh doanh thức ăn ở ngoài đường phố, kinh doanh trong các rạp, các sản phẩm phim ảnh và home shopping. Với 4 lĩnh vực này, tất cả những mặt hàng mà các DN Việt Nam có thể cung cấp được thì đều có tiềm năng hợp tác", ông Lee Yeo Lee nói.

Ngoài ra, chia sẻ với các DN Việt Nam, ông Chang Hun Lee cho hay, nếu muốn thâm nhập thành công vào thị trường Hàn Quốc, các DN Việt Nam cần tìm được đối tác là những nhà phân phối lớn, có uy tín và kinh nghiệm để có thể tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc khi đưa hàng vào Hàn Quốc.

Các nhà XK Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kiểm tra chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu, chất phụ gia và màu nhân tạo; nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, thông tin chi tiết nhà sản xuất... Các DN Việt Nam cũng cần phải chú ý phương thức kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, bao bì mẫu mã..

Ý kiến bạn đọc