Thị trường xuất nhập khẩu
Triển vọng xuất khẩu sang thị trường Đài Loan
21/12/2013

Đài Loan được biết đến là một nền kinh tế năng động với có quy mô hơn 23 triệu người tiêu dùng, tổng GDP đạt 474 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 20.364 USD. Trong 10 năm trở lại đây, Đài Loan luôn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân đạt 4,8%/năm.

Sau khi tăng trưởng âm vào năm 2009 do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì kinh tế Đài Loan đã tăng trở lại vào năm 2010 và 2011 lần lượt đạt 13,4% và 8,37%. Năm 2012, cùng với đà suy thoái của kinh tế toàn cầu, kinh tế Đài Loan cũng rơi vào vòng xoáy của đà sụt giảm tăng trưởng, dẫn đến tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,17%.

Sau hơn 20 năm kể từ khi Đài Loan và Việt Nam bắt đầu có sự giao lưu về kinh tế, thương mại, Đài Loan luôn được coi là một trong những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Hiện nay, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Xét riêng về nhập khẩu, Đài Loan là đối tác Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 4, nhưng về xuất khẩu, Đài Loan mới chỉ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam. Thống kê này cho thấy sự thiếu cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai Bên, đồng thời nhấn mạnh cần phải chú trọng hơn nữa công tác thúc đẩy xuất khẩu, khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

Trong vòng hai mươi năm qua, do có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế nên cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Đài Loan khá khác biệt và mang tính bổ sung cao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Đài Loan là các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, nông lâm thủy sản, cao su, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giấy và các sản phẩm từ giấy, gỗ và sản phẩm gỗ, giầy dép các loại, sản phẩm gốm sứ, máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện...với hàm lượng giá trị xuất khẩu thấp. Về cơ bản, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan trong hai mươi năm qua có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm nông lâm thủy sản, nhóm nguyên nhiên liệu và khoáng sản, nhóm công nghiệp chế biến. Trong giai đoạn từ 2004 - 2009, nhóm mặt hàng nông lâm thủy hải sản và nhóm mặt hàng nguyên nhiên liệu và khoáng sản là nhóm chiếm tỷ trọng lớn và là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Kể từ năm 2009 đến nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nhóm mặt hàng nguyên nhiên liệu và khoáng sản thô xuất khẩu giảm dần và nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến và nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản đã dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đài Loan. Theo đó, tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 18,66% năm 2004 lên mức 20% năm 2012, nhóm nguyên liệu và khoáng sản giảm từ 0,99% xuống còn 0,3%, trong khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ 35,28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên 41,5% năm 2012.

Có thể nói, Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt đông đảo (khoảng hơn 200 nghìn người, chiếm 1% dân số Đài Loan) tại Đài Loan sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương cũng như tuyên truyền về thói quen tiêu dùng các mặt hàng trong nước tại Đài Loan.

Tuy nhiên, Đài Loan cũng là một thị trường không dễ xâm nhập do chủ trương duy trì các tập quán thị trường trong nước và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng áp dụng những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, chính sách thuế và phi thuế đối với hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu. Những quy định này cũng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đối, gây không ít khó khăn cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Đài Loan, tận dụng tối đa cơ hội nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường này, cùng với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nghiên cứu tìm hiểu thị trường, và quan trọng hơn là phải tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, không chỉ để thỏa mãn những yêu cầu của đối tác nhập khẩu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu.

Ý kiến bạn đọc