Thị trường ngoài nước
Trung Quốc cảnh báo nỗi lo lương thực
22/08/2016
Sử dụng thuốc hóa học làm thoái hóa đất, nông dân lên thành phố tìm việc, đất nông nghiệp bị đô thị hóa kéo theo cảnh báo thiếu lương thực trầm trọng.

Tạp chí Mỹ Time mới đây dẫn các thông tin từ tổ chức Đất Đen cho hay, các mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp Trung Quốc đang được đẩy mạnh bởi nỗi lo về sự thiếu hụt lương thực trầm trọng ở quốc gia hơn 1 tỷ dân này.

Time cảnh báo vấn đề an ninh lương thực ở Trung Quốc khi lực lượng lao động trong lĩnh vực này đa số chỉ còn là người già bởi những thanh niên trẻ hơn đã lên thành phố làm công nhân kiếm tiền.

Tạp chí Mỹ kể câu chuyện của ông Liu Chengbao (51 tuổi). Ông trồng ngô và khoai tây trên mảnh đất rộng 6.500m2 ở làng Wang Meng, tỉnh Cam Túc. Ở ngôi làng này chỉ còn khoảng 300 người và toàn là những người già cả bởi thanh niên có sức vóc trong làng đều đã bỏ ruộng nương lên thành phố kiếm việc làm. Họ cho rằng làm công nhân trên thành phố sầm uất, phát triển vẫn dễ kiếm tiền hơn ở lại quê hương làm nông.

"Tôi quá già để lên thành phố tìm việc. Tôi không có sức khỏe", ông Liu giải thích vì sao mình vẫn ở lại quê nhà, lấy công việc đồng áng làm kế sinh nhai và nuôi 2 người con học đại học ở thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc.

Chính việc cư dân ở các tỉnh nông thôn đổ lên thành phố khiến Trung Quốc trở thành một quốc gia bị đô thị hóa mạnh.

Đất nông nghiệp của Trung Quốc còn đang ngày càng bị thu hẹp để nhường không gian cho các đô thị mới cũng như các dự án công nghiệp.

Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân - chiếm 1/5 tổng dân số toàn thế giới, song chỉ có khoảng 7% diện tích đất canh tác.

"Nông dân Trung Quốc phần lớn đều đã chuyển thành công nhân. Khi làm công nhân, họ không phải lo lắng về vốn lưu động, các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn hạt giống, hóa chất, các trang thiết bị trồng trọt, đầu ra đầu vào cho nông sản", tổ chức Đất Đen trả lời Time.
Đất nông nghiệp vốn ít lại còn bị thoái hóa

Vốn đã ít đất để canh tác nông nghiệp nhưng 40% đất nông nghiệp ở Trung Quốc còn bị thoái hóa nghiêm trọng do lạm dụng các chất hóa học như thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.


"Làm vậy sẽ cho năng suất tốt hơn. Nhưng vì thế chúng tôi cũng không dám ăn rau mình trồng. Chúng tôi thường trồng riêng ruộng rau để ăn và không phun thuốc", ông Liu Chengbao cho hay.

Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo, nông nghiệp là lĩnh vực đang gây thiệt hại lớn nhất đến môi trường chứ không phải là lĩnh vực công nghiệp như nhiều người nhầm tưởng.

Chưa kể tới môi trường, chính những người dân Trung Quốc đang đối mặt với khả năng không tự cung cấp được lương thực cho mình bởi những đe dọa về an ninh lương thực như trên.

Giới chuyên gia còn dự đoán, trong 3 thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ từ bỏ nông nghiệp để lên thành phố kiếm việc làm. Trong khi đó, mỗi người Trung Quốc hiện trung bình ăn 63 kg thịt/năm nhưng đến năm 2023 dự kiến tiêu thụ tăng thêm 30 kg/người (tức 93kg thịt/người/năm).

"Nông nghiệp Trung Quốc là hệ quả của một ngành công nghiệp tiểu thủ. Trung Quốc cho tới nay vẫn đứng sau Mỹ, Úc hay châu Âu vì chưa được tổ chức, trang trại vì không có quản lý khoa học", ông Sun Chang, Chủ tịch nhóm Đất Đen nhận định.

Người nông dân Liu Chengbao cho hay: "Nếu người nông dân có thể được trả 100 nhân dân tệ mỗi ngày (khoảng 15USD) thì sức khỏe và đời sống của chúng tôi sẽ khá hơn và những thanh niên trẻ khỏe sẽ tiếp tục ở lại quê hương".

Quế Chi (Theo Time) Nguồn Báo đất việt
Ý kiến bạn đọc