Thị trường ngoài nước
Trung Quốc muốn định giá nguyên liệu toàn cầu: Ai dám tin?
01/06/2016

 Các chủ thể tham gia thị trường muốn một trung tâm định giá công bằng, theo quy luật thị trường để họ có thể tin. Đây là điều Trung Quốc đang thiếu.

 
 
Lợi thế lớn nhưng rào cản không nhỏ

Bình luận về tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa, trước hết là đối với thị trường nguyên liệu thô toàn cầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, mong muốn của Trung Quốc là điều dễ hiểu vì bản thân quốc gia này đang muốn trỗi dậy, trở thành một cực của thế giới. Để làm được điều đó, trước hết đồng nội tệ phải được chuyển đổi và tham gia tích cực vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là đầu ra và đầu vào của thế giới.

"Trung Quốc luôn muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phát triển thị trường Hong Kong, Thượng Hải để trở thành thị trường tài chính của cả thế giới. Châu Á đang là khu vực trỗi dậy mạnh mẽ của thế giới, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô cực lớn. Khu vực này đã có thị trường Singapore, Tokyo nhưng không phải là các thị trường lớn, khả năng phát triển có giới hạn nhất định. Chẳng hạn, Singapore chỉ là thị trường môi giới, hay Tokyo cũng không thể lớn lên được trong khi Trung Quốc có hai thị trường tương đối có tên tuổi là Hong Kong và Thượng Hải - vốn có truyền thống lâu đời, đặc biệt là Hong Kong tiếp thu được nhiều tinh hoa của thị trường London (Anh) và có hàng trăm năm nằm dưới sự thống trị của thực dân Anh nên những tinh hoa của các thị trường buôn bán, cách thức tổ chức thị trường chứng khoán, hàng hóa tương đối tốt. Đây cũng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp của thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất các nguyên liệu thô. Bởi là người mua lớn nên Trung Quốc nghĩ rằng họ có quyền đưa ngã giá với người bán, nhất là với người buôn bán nhỏ lẻ, trở thành người quyết định giá đầu ra và đầu vào của các loại hàng hóa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ những khó khăn Trung Quốc có thể vấp phải khi thực hiện ý đồ nói trên. Theo đó, nguồn nguyên liệu thô của thế giới đang ngày càng khan hiếm và người bán có sức mạnh riêng của mình dù Trung Quốc đang là người mua lớn.

Mặt khác, về mặt kinh nghiệm, các thị trường ở châu Á như Tokyo, Singapore vẫn có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc đại lục, điều này khiến Trung Quốc cạnh tranh khó khăn. Chưa kể trên thế giới, thị trường London, Frankfurt, New York... đã có truyền thống lâu đời, những người tham gia thị trường đã nắm được luật pháp, thị hiếu, thói quen của khách hàng nên họ ngại chuyển sang thị trường mới khi chưa nắm được các nguyên tắc và thông lệ của thị trường đó.

Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế tập trung bao cấp, nói cách khác nó vẫn là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, cho nên tính ổn định của luật pháp không cao. Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi, chưa phải là nền kinh tế thị trường thực thụ nên không bám sát các điều kiện thị trường, luôn luôn thay đổi chứ không đi theo tính ổn định của thị trường và thừa nhận những gì thị trường đang có.

Do đó, sự can thiệp của Nhà nước Trung Quốc vào nền kinh tế có thể khiến các chủ thể tham gia thị trường bị chèn ép, từ đó người ta ngại tham gia. Các quyết sách của Nhà nước Trung Quốc và các đường hướng kinh tế vẫn khiến các chủ thể e ngại về một thị trường có thể có những biến động ngoài dự kiến của họ.

"Kinh tế Trung Quốc thời gian qua phát triển rất nhanh và mạnh, thu hút nguồn lực lớn của thế giới nhưng trong buôn bán, những người kinh doanh, trong đó có nhiều đối tác của Trung Quốc nhìn thấy ở thị trường Trung Quốc sự thiếu ổn định. Trung Quốc có thể thực hiện theo ý muốn của họ nhiều hơn và chèn ép các đối tác ở một phương diện nào đó khi thấy đối tác có lợi thế về kinh doanh,buôn bán. Điều đó khiến các đối tượng tham gia thị trường trở nên dè dặt.

Ví dụ, khi mua bán nông sản, quặng của Việt Nam ở biên giới, nếu Trung Quốc cảm thấy họ đã được lợi, lập tức họ sẵn sàng hạ giá, đóng cửa biên giới... Điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà thương nhân nhiều quốc gia khác cũng nhìn thấy sự chèn ép của Trung Quốc. Đây là một trong những trở ngại trong việc Trung Quốc muốn trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa trên toàn cầu.

Những người tham gia thị trường luôn muốn thị trường định giá công bằng và theo quy luật thị trường để họ có thể tin tưởng chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích của mình. Đây là điều mà Trung Quốc đang thiếu", PGS Thịnh nói.

Đặt câu hỏi: Liệu các nhà đầu tư có dễ dàng chấp nhận thị trường định giá Trung Quốc, nhất là khi việc thực hiện giao dịch tiền tệ có thể phải sử dụng đồng nhân dân tệ chứ không phải đồng USD hay đồng tiền thông dụng nào khác? PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói rằng, Trung Quốc rất mong muốn các thương nhân, đối tác sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao thương quốc tế và mong muốn đó là có cơ sở. Đồng nhân dân tệ của nước này vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ dự trữ các đồng tiền chủ chốt của thế giới (SDR) và nó là đồng tiền có thể chuyển đổi được, dù mức độ chuyển đổi thấp. Về lâu dài, việc sử dụng đồng nhân dân tệ sẽ tăng lên, giống như đồng yên của Nhật Bản trong những năm 1960. Thời điểm đó, Nhật Bản quốc tế hóa đồng yên và đồng tiền Nhật Bản được đưa vào rổ SDR cũng như được chuyển đổi ra các đồng tiền khác trên các thị trường lớn của thế giới.

Đến nay đồng yên được nói đến nhiều nhưng tỷ lệ sử dụng trong giao dịch quốc tế không được bao nhiêu dù Nhật có nhiều động thái để thúc đẩy việc này. Chẳng hạn, các tài trợ ODA của Nhật Bản được tính bằng đồng yên và họ buộc các đối tác phải tính bằng đồng yên, các tài trợ lớn do Nhật Bản đứng đằng sau trong các giao thương về ODA, vay nợ của Ngân hàng châu Á (ADB) cũng tính bằng đồng yên.

Trung Quốc cũng đang rất tích cực để các quốc gia sử dụng đồng nhân dân tệ trong mua bán, giao thương, các khoản Trung Quốc cho nước ngoài vay chủ yếu cũng được tính bằng nhân dân tệ... Tuy nhiên, thực tế giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hiện nay chiếm chưa đến 1% tổng giao dịch tiền tệ thế giới, người ta vẫn giao dịch chủ yếu bằng USD và các đồng tiền khác. Để khiến các chủ thể sử dụng đồng nhân dân tệ một cách chủ động và nhiều hơn trong giao thương quốc tế đòi hỏi thời gian rất dài và mức độ sử dụng đồng nhân dân tệ sẽ tăng rất nhỏ.

"Nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong ngắn hạn có thể sử dụng đồng nhân dân tệ, nhưng lâu dài, hầu hết các hoạt động giao thương đều được tính bằng đồng USD. Đồng nhân dân tệ vẫn là đồng tiền không ổn định, lại đang bị mất giá, những người buôn bán chẳng dại gì ôm đồng tiền như thế. Chính vì thế, khả năng mở rộng vai trò của đồng nhân dân tệ trong giao thương quốc tế nói chung và tài chính tiền tệ nói riêng còn rất khó khăn. Như Nhật Bản, những năm 1966-1980 là giai đoạn hoàng kim, lãi suất của họ rất thấp, đồng yên tăng giá mạnh cả một thời gian dài nhưng tỷ lệ sử dụng thực tế tăng lên không đáng kể", ông Thịnh nhận định.

 

 

Chiến lược lâu dài

Nhìn lại các động thái gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu từ cuối năm ngoái đến năm nay như kế hoạch khởi động chuẩn giá dầu riêng dùng đồng nhân dân tệ; thiết lập chuẩn giá vàng riêng; tham vọng trở thành trung tâm định giá đối với thị trường nguyên liệu thô toàn cầu..., PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, Trung Quốc hiện đã mạnh lên rất nhiều so với trước. Suốt mấy chục năm, từ năm 1978 khi Trung Quốc bắt đầu cải cách đến nay, kinh tế quốc gia này đã phát triển rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nó cũng làm phát sinh nhiều vấn đề như: khả năng về kinh tế của Trung Quốc nhiều lần chênh vênh, sự dư thừa trong sản xuất tăng lên đáng kể... Đây là cơ sở để Trung Quốc mong muốn trở nên mạnh hơn, đi kèm với đó là cải cách phương thức tăng trưởng nền kinh tế.

"Cả một thời gian dài, Trung Quốc tập trung tăng trưởng GDP bất chấp các vấn đề về môi trường, yêu cầu phát triển bền vững, an toàn... Hiện nước này đã có sự chuyển hướng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực của tăng trưởng với môi trường, đời sống xã hội... Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng mong muốn giảm bớt sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Sự cách biệt ấy tạo ra những mâu thuẫn lớn giữa tăng trưởng của thành thị với sự suy giảm của nông thôn. Đã có nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của người dân vùng biên ải, khó khăn và Trung Quốc đã phải dùng biện pháp cứng rắn để giữ gìn an ninh, ổn định xã hội nhưng đó chỉ là sự ổn định ở bề mặt, còn về lâu dài phải thu hẹp khoảng cách về thu nhập. Đây là bài toán khó trong quá trinh phát triển của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng bắt đầu chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, và dù hơi muộn nhưng đó là định hướng rất quan trọng, nếu Trung Quốc không chuyển hướng nhanh, quốc gia này sẽ trở thành bãi thải của thế giới công nghiệp.

Trung Quốc đang thay đổi đường hướng sản xuất và họ có năng lực trong chuyện này. Từ phát triển theo bề rộng, Trung Quốc đang dần phát triển theo chiều sâu, chiếm lĩnh được khoa học công nghệ để sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, Trung Quốc muốn thị trường của họ phải được đổi mới, trở thành thị trường theo thông lệ quốc tế.

Vì lẽ đó, các động thái nói trên đều nằm trong chiến lược tổng thể nhằm sắp xếp lại nền kinh tế Trung Quốc, đưa nó đi theo đường hướng của kinh tế thị trường nhưng vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của chính phủ Trung Quốc", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Ông cũng nhấn mạnh, các động thái của Trung Quốc là để hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của quốc gia này trong lâu dài và để Trung Quốc trở thành một cực thực sự về kinh tế, thương mại của thế giới trong tương lai.

"Đây là chiến lược lâu dài của Trung Quốc, để Trung Quốc có cơ sở để giao dịch chủ động hơn, thu hút đối tác nước ngoài, trở thành thị trường tài chính và hàng hóa lớn của thế giới, từ đó có thể ghi tên tuổi trên thương trường quốc tế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Nguồn http://baodatviet.vn

Ý kiến bạn đọc