Tin tức
Các ứng dụng tin nhắn miễn phí trên Smartphone đang cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á
06/07/2014
 Theo ước tính, đã có khoảng 600 triệu người chuyển từ sử dụng điện thoại thông thường sang điện thoại thông minh (Smartphone). Dữ liệu từ nhà nghiên cứu Nielsen cho thấy, một nửa người dùng điện thoại tại Thái Lan sở hữu điện thoại thông minh. Trong khi đó, con số này tại Indonesia là 23% và Philippines là 15%. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng những ứng dụng tin nhắn miễn phí ngày càng tăng cao.

Thông thường, mỗi người dùng điện thoại thông minh tại Indonesia có trung bình 4,2 ứng dụng tin nhắn miễn phí được cài trong máy, nhiều gấp hai lần so với người Mỹ. Trong số đó, các ứng dụng Line của Naver Corp, WeChat của Tencent hay Kakao Talk thu hút được nhiều người sử dụng nhất.

Bên cạnh đó Viber và BlackBerry Messenger cũng chiếm được thị phần không nhỏ. Ứng dụng Zalo, dù mới được ra mắt trong năm 2012, nhưng đến nay đã sở hữu hơn 10 triệu người dùng tại Việt Nam.

Cuộc chiến khốc liệt ứng dụng tin nhắn miễn phí tại Đông Nam Á

Điểm đáng nói là, dù rất phổ biến tại Đông Nam Á, nhưng những ứng dụng tin nhắn kể trên hầu như ít được biết đến tại các nước phương Tây, nơi có hàng triệu người dùng smartphone.

Chuyên gia tư vấn Neha Dharia tại công ty Ovum cho biết: “Cuộc chiến các ứng dụng tin nhắn miễn phí ở Đông Nam Á đang thực sự trở nên nóng hơn bao giờ hết. Để thu hút được người dùng gắn bó với một ứng dụng nào đó là điều không dễ dàng”.

Sở dĩ cuộc chiến trở nên khốc liệt như vậy là bởi mặc dù hầu hết các ứng dụng này đều miễn phí, nhưng nó vẫn là cỗ máy sinh lời khổng lồ với những dịch vụ đi kèm như quảng cáo game, bán những biểu tượng ngộ nghĩnh gửi kèm tin nhắn văn bản.

Các ứng dụng nội địa trở nên vượt trội.

WhatsApp, một ứng dụng được phát triển bởi công ty có trụ ở thung lũng Silicon Mỹ mới được Facebook mua lại với giá 19 triệu USD hiện có 500 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu. Tuy nhiên, hãng này thừa nhận đã gặp phải rất nhiều khó khăn để cạnh tranh tại các nước Đông Nam Á bởi những ứng dụng nội địa.

Ví dụ điển hình là tại Thái Lan, Line đã vượt WhatsApp trở thành ứng dụng được sử dụng nhiều nhất trong năm 2013. Trong tổng số 450 triệu người dùng trên toàn thế giới, có tới 27 triệu người Thái Lan. Trong khi đó, tại Malaysia, ứng dụng WeChat của công ty Trung Quốc lại rất phổ biến và ở Indonesia là BlackBerry Messenger.

Giải thích về sự thành công của những ứng dụng tin nhắn nội, Takeshi Idezawa, Giám đốc điều hành công ty chủ quản của Line cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để có thể địa phương hóa ứng dụng của mình. Nó phải là ứng dụng phù hợp với văn hóa, phong cách làm việc và giao tiếp của từng quốc gia”.

Ngoài ra, với lợi thế sân nhà, các chiêu khuyến mại, quảng cáo rầm rộ cũng là điểm làm nên thành công của các ứng dụng này. Tại Malaysia, WeChat kết hợp với chuỗi cửa hàng café rất phổ biến tại đây là ChatTime đưa ra khuyến mại hấp dẫn cho người dùng. Theo đó, những người tạo tài khoản WeChat thông qua ChatTime sẽ được giảm giá tất cả các loại đồ uống.

Năm ngoái, Tencent, cơ quan chủ quản của WeChat đã công bố doanh thu năm lên tới 48 triệu USD cho thấy sự thành công vượt bậc của ứng dụng này.

Viber cũng không kém cạnh khi tuyên bố, họ có 300 triệu người sử dụng trên toàn cầu với ứng dụng tin nhắn và gọi điện hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, chủ tịch công ty này là Talmon Marco cho biết: “Đông Nam Á hiện là thị trường mũi nhọn của chúng tôi. Khu vực này đang có tốc độ tăng về số lượng người sử dụng điện thoại thông minh nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.

Có cùng chia sẻ, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, cơ quan chủ quản của ứng dụng Zalo cho biết: “Hiện chúng tôi đang thu hút người dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo và khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, định hướng của Zalo vẫn là tập trung chủ yếu tại thị trường Việt Nam và phục vụ người Việt Nam. Thông điệp duy nhất mà chúng tôi muốn gửi đến những người sử dụng Zalo đó là: Việt Nam đã có một ứng dụng tin nhắn của riêng mình”.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc