Amazon đã đẩy cuộc chiến lên tầm cao hơn khi giới thiệu một smartphone giá rẻ.
Năm 2011, Apple đã cố gắng thương lượng để mua lại Dropbox với giá 800 triệu USD nhưng bị từ chối. Khi đó, Steve Jobs, cố Tổng Giám đốc Apple, nói với Drew Houston và Arash Ferdowsi (2 đồng sáng lập của Dropbox): “Hãy suy nghĩ thật kỹ, vì Dropbox của các cậu chỉ là một tính năng chứ không phải một sản phẩm hay dịch vụ.” Ngay sau đó, Apple ra mắt iCloud – nền tảng đám mây lưu trữ dữ liệu, mở đầu cho cuộc tiến công của Google, Amazon và Microsoft vào thị trường này. Lời cảnh báo của Jobs với Dropbox cũng là lời cảnh báo chung với các start-up riêng lẻ: cuộc chiến hiện nay không còn là cuộc cạnh tranh đơn lẻ trong từng lĩnh vực mà là “chiến tranh tổng lực”, trong đó các tập đoàn lớn sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ở một số mảng để đảm bảo lợi ích chung.
Điều này lại một lần nữa được nhắc lại qua sự kiện Nike tuyên bố đóng cửa Nike Fuel Band và sa thải hầu hết nhân viên tại bộ phận này, chỉ giữ lại một số ít nhân viên phần mềm. Tại sao Nike, gã khổng lồ trong ngành hàng thể thao – người bắn phát pháo đầu tiên cho thị trường thiết bị đeo kèm lại phải vội vã rút chạy như vậy? Câu trả lời là khi Apple, Google hay Samsung bước vào thị trường này thì họ sẽ biến các thiết bị đeo kèm của mình thành các nền tảng cho phép nhiều đơn vị phát triển nội dung và tiện ích kinh doanh trên nền tảng này.
Có vẻ cuộc chơi về công nghệ hiện nay chỉ còn sót lại 5 tay chơi chính: Apple, Google, Samsung, Microsoft và Amazon. Và đây không phải là cuộc cạnh tranh riêng lẻ, khi 5 gã khổng lồ này đang liên tục chuyển mình.
Trong khi Samsung vẫn tập trung vào tham vọng trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Apple thì 4 công ty còn lại đang có những bước chuyển mình rõ rệt.
Không chỉ những bước đi gần đây (Apple Smart Watch, Apple TV, Apple Car Play) Apple mới thể hiện rõ sự tập trung vào nguồn thu từ nội dung. Khi nhu cầu về iPhone gần bão hòa, Apple đã rất cố gắng để đưa ra những thiết bị mới để giữ vững và tăng trưởng số lượng người dùng trung thành, qua đó tạo nền tảng để thúc đẩy nguồn thu từ nội dung. iPod gần như bị khai tử, Macbook vẫn còn chiếm thị phần nhỏ bé, iPhone dần chững lại và iPhone giá rẻ không được đón nhận hồ hởi khiến chiếc đồng hồ thông minh Apple Smart Watch trở thành “sự kỳ vọng lớn nhất cho một thiết bị có thể mở ra hệ sinh thái về nội dung tiếp theo”.
Ngược lại với xu hướng “mềm hóa” của Apple, Microsoft và Amazon đang có những bước đi táo bạo vào thị trường phần cứng. Tuần vừa rồi, Microsoft tuyên bố chính thức khai tử thương hiệu Nokia và chuyển sang sử dụng Microsoft Mobile. Với sự sáp nhập này, Microsoft đã trở thành một trong những gã khổng lồ về phần cứng, với 251 triệu chiếc điện thoại được bán ra trong năm 2013. Đây là bước tiến quan trọng của Microsoft trong việc ngăn chặn sự Android-hóa của Google đối với những thiết bị không-Apple và tạo nền tảng quan trọng trong việc phát triển nguồn thu từ các dịch vụ và nội dung, đúng theo định hướng của Satya Nadella, Tổng Giám đốc mới nhậm chức của Microsoft.
Nếu Microsoft chọn cách tiếp cận từ thiết bị thì Amazon đẩy cuộc chiến lên một tầm cao hơn bằng kế hoạch giới thiệu một smartphone giá rẻ (như cách Amazon đã làm với tablet Kindle) và một gói cước đi kèm cực kỳ hấp dẫn mang tên Prime Data, theo thỏa thuận đặc biệt với nhà mạng AT&T. Với cách tiếp cận này, cho dù phần mềm và phần cứng của smartphone này không thật sự nổi trội kèm theo vài phiền toái từ phiên bản Android điều chỉnh nhưng cơ hội cho Amazon vẫn rất lớn khi giúp người dùng giảm đáng kể hóa đơn điện thoại mỗi tháng.
Nhưng sự thay đổi chóng mặt nhất lại đến từ Facebook. Tuần qua, mạng xã hội này công bố đạt 1,01 tỉ người dùng trên điện thoại, tăng 65 triệu người so với quý IV/2013. Với số lượng người dùng mới này, Facebook hiện có 1,28 tỉ người dùng hằng tháng, với 802 triệu người dùng thường xuyên và 609 triệu trong số đó là trên mobile. Tỉ lệ người dùng này cũng được phản ảnh tương đồng trong cơ cấu doanh thu: 59% trong 2,5 tỉ USD doanh thu quý I/2014 đến từ mobile, biến Facebook trở thành một công ty bán quảng cáo trên di động. Tờ Business Insider còn dự báo Facebook sẽ nhanh chóng đạt doanh thu 12 tỉ USD vào năm 2016, với 12 nguồn thu khác nhau. Phần lớn trong doanh thu 12 tỉ này vẫn sẽ là quảng cáo hiển thị. Tuy nhiên, những nguồn thu không-quảng-cáo cũng sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, Facebook đang phát triển các nguồn thu từ thanh toán (chủ yếu sử dụng để chi trả trong game), hỗ trợ tạo khuyến mãi (cho phép các thương hiệu thực hiện các chương trình khuyến mãi trên Facebook), quà tặng (dự kiến đạt doanh thu 800 triệu USD năm 2014).
Đồng thời, ngày càng rộ lên nhiều tin đồn rằng Samsung sẽ sớm theo bước của Amazon, đưa ra những phiên bản tùy biến cho Android để hạn chế sự bành trướng của Google. Hiện nay, Samsung cũng luôn cung cấp 3 hệ điều hành (Android, Tizen và Windows Phone) trên các smartphone và đồng hồ thông minh của mình, như một động thái “chia để trị”. Và Google cũng đang ráo riết chuẩn bị cho Google Glass.
Với tình hình hiện nay, có lẽ chỉ trừ Facebook đang tập trung vào phần mềm khi có trong tay hơn 2 tỉ người dùng còn các hãng công nghệ còn lại đều muốn đặt dấu ấn của mình trên tất cả các mảng thị trường, bởi vì “bất kỳ lỗ hổng nào trong hệ sinh thái cũng có thể đánh chìm cả con thuyền”. Và chắc chắn người sử dụng sẽ phải cân nhắc khi lựa chọn một nền tảng để sử dụng, vì việc chuyển đổi giữa các nền tảng được dự báo sẽ rất phiền phức và tốn kém.
Theo nhipcaudautu.vn