Hiện nay, mọi số liệu đều cho thấy một thị trường tiềm năng đang đợi mobile payment (hình thức thanh toán bằng di động) ở phía trước. Theo Forbes, thị trường mobile payment và thương mại điện tử trên di động sẽ vượt 1000 tỷ USD vào năm 2017.
Cùng lúc đó, làn sóng thương mại di động đang lan rộng ra các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, và dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho ngành mobile payment.
Hiện nay tại Việt Nam, có 4 phương thức thanh toán bằng di động chính, bao gồm:
– Thanh toán qua SMS & Wap charging: Đây là hình thức thanh toán do các nhà mạng viễn thông như Viettel, Vinaphone, Mobiphone cung cấp. Hình thức thanh toán này sẽ trừ tiền vào tài khoản di động của khách hàng, vì thế phù hợp cho các khách hàng không có tài khoản ngân hàng hay ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, hình thức này chỉ phù hợp với giá trị thanh toán thấp. Cách thanh toán này cũng gây khó khăn cho người nhận tiền khi mà chu kỳ thanh toán lên đến 30 ngày, nghĩa là 30 ngày sau khi khách hàng bị trừ tiền, người bán mới nhận được. Trong lúc đó, người nhận tiền cũng bị nhà mạng lấy đi 20% số tiền họ nhận được.
– Thanh toán qua thẻ cào: Hình thức này tương tự với thanh toán qua SMS & Wap charging, cũng do các nhà mạng viễn thông cung cấp. Nhược điểm là giá trị thanh toán không lớn do giá trị mỗi thẻ cào không cao (cao nhất là 500,000 đồng/1 thẻ cào). Tương tự với thanh toán qua SMS & Wap charging, hình thức này cũng có chu kỳ thanh toán lên đến 30 ngày, và bị trừ đi 20% số tiền nhận được. Ưu điểm là phù hợp với khách hàng không có tài khoản ngân hàng hoặc ở vùng sâu vùng xa.
– Thanh toán qua ví điện tử: Với hình thức thanh toán này, khách hàng cần mở ví điện tử tại một số nhà phát hành như Sohapay, Ngân lượng, Bảo kim, VTC,…và sau đó nạp tiền vào ví, dùng ví điện tử để chi trả cho hoạt động mua sắm của mình. Hình thức này cũng có ưu điểm là tiếp cận được với các khách hàng ở vùng sâu vùng xa hoặc không có tài khoản ngân hàng. Chi phí thanh toán bằng ví điện tử cũng chỉ chiếm 1-3% giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là khách hàng phải nộp tiền vào ví trước khi sử dụng và một lo ngại khác là tiền có thể bị tồn đọng trong ví, không rút ra được và cũng không được hưởng lãi trên số tiền này. Để giải quyết vấn đề này, một số ví điện tử đã liên kết với ngân hàng, giúp người dùng có thể thuận tiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang ví điện tử và dễ dàng rút tiền từ ví điện tử thông qua tài khoản ngân hàng. Bằng hình thức này, người nhận tiền sẽ nhận được tiền chỉ sau 1 ngày khách hàng trả tiền.
– Thanh toán qua dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking: Với phương thức này, khách hàng sẽ thanh toán thông qua thẻ ngân hàng do các ngân hàng phát hành. Tương tự phương thức ví điện tử, thanh toán qua e-banking cũng bị mất 1 khoản phí nhỏ, chỉ chiếm 1-3% giá trị giao dịch, chu kỳ thanh toán ngắn, sau 1 ngày người bán sẽ nhận được tiền.
Theo thống kê, số lượng thẻ nội địa trong năm 2013 là 59,87 triệu thẻ, tăng 19,1% so với năm 2012. Số lượng thẻ quốc tế trong năm 2013 tăng 57,3%, từ 4,03 triệu thẻ năm 2012 lên 6,34 triệu thẻ năm 2013.
Các loại thẻ: thẻ tín dụng và thẻ trả trước đều tăng 50% trong năm 2013. Thẻ tín dụng tăng từ 1,62 lên 2,43 triệu thẻ trong khi thẻ trả trước tăng từ 1,78 lên 2,67 triệu thẻ. Trong lúc đó, thẻ ghi nợ tăng 20%, từ 50,89 năm 2012 lên 60,11 triệu thẻ năm 2013.
Tuy 2 hình thức thanh toán cuối có các ưu điểm vượt trội các phương thức thanh toán do nhà mạng viễn thông cung cấp nhưng độ phủ của 2 hình thức này vẫn chưa lớn.
Theo chia sẻ của ông Trần Quang Khải – giám đốc Sohapay trong Vietnam mobile day 2014, có một vài yếu tố thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của thị trường mobile payment Việt Nam như: số lượng smartphone của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, tăng 156% trong năm 2013, chiếm 20% số lượng điện thoại của Việt Nam, trong đó:
• 95% người dùng tìm kiếm thông tin trên smartphone
• 60% người dùng đã từng mua sắm trên smartphone
• 25% người dùng thường dùng location-based (dịch vụ trên nền tảng định vị) trên smartphone
Bên cạnh đó, mạng liên kết với ngân hàng hay sự phát triển về nội dung số hoặc thương mại điện tử cũng là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của thị trường mobile payment. Ông Khải cũng cho rằng, thị trường thanh toán bằng di động vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Trong khi các thị trường khác của Việt Nam thường được cho rằng nhỏ hơn 10-20 lần so với thị trường của Trung Quốc thì thị trường mobile payment của Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc 200 lần.
Còn về khó khăn mà thị trường mobile payment gặp phải, ông Khải cho rằng các chính sách về chuyển tiền giữa trong và ngoài nước còn khắt khe. Một khó khăn lớn hơn mà các công ty làm về mobile payment gặp phải là thị trường Việt Nam có độ trễ hơn so với thị trường các nước khác trong khu vực. Vì thế, cần thời gian từ 2-3 năm để khách hàng có thói quen mua sắm trực tuyến.
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc truyền thông (CIO) Mpay cho rằng, việc các ngân hàng để mắt đến và muốn thâm nhập vào thị trường mobile payment không phải là khó khăn lớn cho các công ty làm trong lĩnh vực này. Các merchant (bên bán buôn) quan tâm nhiều đến dòng tiền của họ sẽ đi như thế nào chứ ít quan tâm đến việc người thực hiện dịch vụ có nhiều tiền ra sao. Hơn nữa, các cổng thanh toán hiểu rõ từng merchant thông qua việc kết nối với từng merchant, việc mà ngân hàng khó có thể triển khai được. Bên cạnh đó, ông Thắng đưa ra nhận định rằng các khách hàng sống ở nông thôn ngại đi vào các ngân hàng lớn. Vì vậy, với lượng dân số ở nông thôn chiếm 3/ 4 dân số cả nước, thì đây là một thị trường lớn mà các dịch vụ thanh toán điện tử có thể khai thác. Trong lúc đó, ông Trần Quang Khải cho rằng, khi thị trường mobile payment còn đang ở giai đoạn sơ khai thi việc các ngân hàng nhảy vào thị trường này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn nhất mà các cổng thanh toán này cần giải quyết là niềm tin của khách hàng. Hiện tại, khi mua sắm trực tuyến, khách hàng vẫn còn lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân, sản phẩm không giống quảng cáo hay dịch vụ đi kèm không tốt. Để giải quyết vấn đề này, các cổng thanh toán điện tử đang cố gắng bắt đầu tạo thói quen cho khách hàng bằng những giao dịch đáng tin cậy như nạp tiền điện thoại hay trả tiền điện nước trực tuyến. Bên cạnh đó, các cổng thanh toán này cũng có chính sách thanh toán tạm giữ, thường là sau 7 ngày, nếu khách hàng không có khiếu nại gì thì người bán sẽ nhận được tiền, nhằm giảm rủi ro cho người thanh toán.
Tóm lại, thị trường mobile payment đang là một thị trường rất tiềm năng để khai thác nhưng đây là một cuộc chơi dài hạn cho các cổng thanh toán điện tử. Thị trường Việt Nam cần thêm thời gian để khách hàng làm quen và có thêm lòng tin với các dịch vụ trực tuyến.
Theo Twenty.vn