Tin tức
Social Shopping: Xu hướng mới của Thương mại điện tử
08/05/2014

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm cách giúp việc trải nghiệm mua sắm trên mạng càng giống ngoài đời càng tốt, dẫn đến một loại hình thương mại điện tử mới được gọi là mua sắm xã hội.

Deena Varshavskaya, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành trang web mua sắm xã hội Wanelo

Việc mua sắm trên mạng thường dễ dàng hơn mua sắm tại cửa hàng thực ngoài đời, miễn là người lướt web biết rõ những gì mình muốn mua. Vì thế, một khi chính bản thân họ cũng không biết mình muốn gì thì rắc rối sẽ nảy sinh.

Cải thiện sự trải nghiệm mua hàng trực tuyến

Không gian ảo cho đến giờ vẫn chưa tạo ra được sự trải nghiệm như tại một trung tâm mua sắm ngoài đời, nơi khách hàng dễ dàng đến đủ loại quầy hàng và chọn lựa những mặt hàng họ thích. Ngoài ra, chẳng hạn khi mua sắm trên mạng, bạn bè không thể vào phòng thử đồ để tư vấn cho nhau về những trang phục muốn mua.

Vì thế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm cách giúp việc trải nghiệm mua hàng trên mạng càng giống với ngoài đời càng tốt, dẫn đến sự ra đời của loại hình thương mại điện tử mới được gọi là mua sắm xã hội (Social Shopping). Các nhà đầu tư mạo hiểm đang rót tiền vào những công ty mới lập đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực này, như Wanelo, Polyvore, Svpply, Fancy, Fab, Wantworthy… Trong khi đó, các “đại gia” thương mại điện tử, như Amazon và eBay, cũng giới thiệu những tính năng mua sắm xã hội của riêng mình.

Deena Varshavskaya, 33 tuổi, nhà sáng lập trang web mua sắm xã hội Wanelo vào cuối năm 2010, cho biết những công ty thương mại điện tử như Amazon, eBa, Etsy… vẫn đang giúp người lướt web cảm thấy thoải mái trong việc mua sắm hàng hóa của các tập đoàn bán lẻ khổng lồ hoặc những thương nhân nhỏ. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và cửa hàng lên mạng hoạt động, không dễ để người lướt web tìm thấy sản phẩm hấp dẫn, mới lạ hoặc hợp ý mình. Cô Varshavskaya nhận định: “Các cửa hàng kỳ vọng người lướt web tự tìm thấy trang web của họ và biết những loại hàng hóa nào phù hợp hoặc hấp dẫn”.

Các trang web mua sắm xã hội chủ yếu tập hợp những mẫu hàng hóa bắt mắt từ các cửa hàng trên web và giúp các thành viên dễ dàng chia sẻ với bạn bè hơn về những món hàng họ thích hoặc đã mua. Phần lớn các trang web loại này có giao diện tương tự như mạng xã hội Pinterest, nơi người truy cập “ghim” hình ảnh ưa thích lên những bảng tin ảo. Cơ chế hoạt động của những trang web này cũng khá giống nhau. Sau khi người sử dụng đăng ký làm thành viên (thường là miễn phí), trang web sẽ giới thiệu cho họ một bộ sưu tập sản phẩm được chọn lựa sẵn hoặc dựa trên những gì các thành viên khác mới mua và ưa thích. Ngoài ra, hầu hết các trang web cho phép người sử dụng tìm kiếm và “theo đuôi” bạn bè, những thương hiệu hay cửa hàng ưa thích nhất, hoặc giới thiệu những mặt hàng mới mà họ có thể quan tâm.

Thu hút giới trẻ

Veronica Gledhill, 29 tuổi, một biên tập viên của trang blog thời trang The Cut, nhận định rằng những trang web như Wanelo khiến cô nhớ lại những chuyến đi chơi với bạn bè tại các khu mua sắm khi còn đi học. Trong khi đó, Gene Alvarez – một nhà phân tích của công ty Gartner – nhận định rằng, trang web mua sắm xã hội đang được thiết kế để thu hút thế hệ người mua sắm trẻ tuổi thường muốn biết những xu hướng, mặt hàng nào đang “gây sốt” trong cộng đồng người tiêu dùng có cùng sở thích. Ngoài ra, loại trang web này còn biết tận dụng ảnh hưởng đối với nhau của bạn bè trong việc giới thiệu hoặc đưa ra lời khuyên mua sắm về một sản phẩm nào đó. Chẳng hạn, trang Wanelo cho phép các thành viên dễ dàng chia sẻ thông tin về một món hàng hấp dẫn mà họ vừa phát hiện. Khi một thành viên quyết định mua một món hàng nào đó thông qua Wanelo, trang web sẽ dẫn người này đến trang web của nhà cung cấp để nhận hoa hồng.

Các nhà đầu tư cho đến gần đây vẫn chưa thấy hết tiềm năng của kiểu mua sắm xã hội. Khi trình bày ý tưởng trước hàng chục nhà đầu tư vào năm 2012, cô Varshavskaya phải chật vật lắm mới kiếm được khoản tiền 2 triệu đô la cho công ty còn non trẻ của mình. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu khác trong năm nay. Sau những thành công bước đầu, Wanela dễ dàng thu hút thêm khoản đầu tư 11 triệu đô la vào tháng 3 vừa qua. Wanelo hiện có hơn 10 triệu thành viên, phần lớn là phụ nữ. Nhiều người trong số họ ở độ tuổi thanh thiếu niên, một trong những đối tượng khách hàng mà các nhà bán lẻ trực tuyến khao khát nhất. Đó là lý do cho hơn 200.000 công ty và thương hiệu đăng ký tham gia Wanelo.

Các đại gia thương mại điện tử không muốn đứng ngoài sân chơi nhiều tiềm năng này. Vào đầu tháng 8 vừa qua, Amazon đã giới thiệu một tính năng gọi là Amazon Collections cho phép người sử dụng biết được người khác thích, muốn mua hoặc vừa mua món hàng gì. Trước đó, eBay đã thâu tóm trang web thương mại xã hội Svpply.

Mạng xã hội Pinterest, với tính năng cho phép thành viên chia sẻ hình ảnh và đường dẫn ưa thích trên những bảng tin ảo, rõ ràng là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp mua sắm xã hội. Pinterest trước đây từng tuyên bố không quan tâm đến việc kiếm tiền từ những gì thành viên thu thập và chia sẻ trên trang web của mình, tuy nhiên, lập trường này dường như đã thay đổi trong những tháng gần đây. Vào tháng 5 vừa qua, công ty này đã trình làng công cụ “Rich Pins” cho phép nhà bán lẻ cung cấp thêm thông tin về việc mua hàng hóa ở đâu và như thế nào thông qua trang Pinterest.

Hiroshi Mikitani, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty thương mại điện tử và đầu tư Rakuten (Nhật Bản), cho rằng các doanh nghiệp Mỹ cuối cùng đã bắt đầu nhận ra rằng thương mại điện tử trong tương lai sẽ không khác gì một ngôi chợ, nơi người ta có thể chọn mua nhiều món trong mỗi chuyến đi mua sắm. Là một trong những nhà đầu tư vào Pinterest, ông Mikitani ví mạng xã hội này như một khu mua sắm lớn trên web khi cho biết: “Người tiêu dùng không cần đặt chân đến Tokyo (Nhật Bản) để mua sắm. Hàng chục ngàn thương nhân có thể cung cấp sự trải nghiệm mua sắm tương tự trên Pinterest”.

Theo TBKTSG/The New York Times

Ý kiến bạn đọc