Theo Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2013 của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Nielsen, người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi các điểm tiêu dùng, phương thức mua sắm nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn. Đây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp startup mang đến mô hình kinh doanh dựa trên lợi thế về giá và phương thức mua sắm tiện lợi.
Sau những sản phẩm chưa tạo ra được thành công của Kênh Giải Pháp (KGP) như Kfilm, Ktaxi, anh Nguyễn Trung Nghĩa, nhà sáng lập công ty quyết không nản và bắt tay thực hiện mô hình Thương mại điện tử (TMĐT) B2B2C (doanh nghiệp – doanh nghiệp – khách hàng) trên nền tàng di động ở Đà Nẵng với ứng dụng Kprice.
Mô hình tiện lợi cho cả người bán và người mua
Theo đó B2B2C là mô hình giúp các doanh nghiệp bán hàng, đồng thời, người tiêu dùng có thể bán hoặc chia sẻ thông tin sản phẩm này với những người khác. Để giải quyết vấn đề mua bán cho người dùng là cả doanh nghiệp và khách hàng, Kprice đã tích hợp những tính năng tiện lợi thông qua tính năng động của thiết bị di động thông minh.
Đối với người tiêu dùng, hoạt động mua sắm bắt đầu ngay với việc tiếp cận trực tiếp sản phẩm mong muốn thay vì phải lựa chọn cửa hàng trước như các mô hình chợ giao dịch khác. Ngay khi đã tìm được sản phẩm ưng ý, Kprice cung cấp cho người tiêu dùng lựa chọn giao dịch đặt hàng ngay hoặc trả giá mặc cả.
Giả dụ, chiếc áo giá niêm yết 200,000 VNĐ nhưng người mua hàng hoàn toàn có thể nhập giá cả mong muốn là 2,000 VNĐ gửi đến chủ gian hàng và đợi hồi đáp. Ứng dụng sẽ gửi thông báo trong trường hợp mặc cả thành công, lời trả giá được chủ hàng chấp nhận. Bên cạnh đó, Kprice hỗ trợ chia sẻ thông qua mạng xã hội giúp người tiêu dùng có thể chia sẻ ngay tức thì, tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè. Tính năng mạng này cũng giúp giảm gánh nặng truyền thông cho doanh nghiệp.
Về phía các chủ gian hàng, bên cạnh là một ứng dụng m-commerce (mobile commerce – tạm dịch thương mại di động) Kprice còn cung cấp một hệ thống quản lí gian hàng và giao tiếp với khách hàng. Trong phiên bản mới nhất, ứng dụng cho phép người bán đăng sản phẩm nhanh với tính năng chụp hình nhiều tùy biến như các ứng chụp ảnh thông dụng, đăng tin khuyến mãi, theo dõi các giao dịch, v.v.
Ngoài ra, Kpirce cũng hỗ trợ các chủ gian xây dựng danh sách khách hàng thân thiết hay vãng lai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với từng khách hàng. Đây có thể xem là giải pháp CRM (quản lý quan hệ khách hàng) khá hữu dụng cho các cửa hàng nhỏ.
Vẫn còn những hạt sạn
Mặc dù mô hình kinh doanh với giải pháp cho thị trường tốt, điểm trừ lớn nhất có thể nhận ra ở ứng dụng Kprice chính là ở vấn đề giao diện. Thiết kế ứng dụng và màu sắc bị phân mảnh, không có tính thống nhất…nói cách khác là chưa bắt mắt người dùng.
Bên cạnh đó, việc các gian hàng đang được hỗ trợ đăng tin lên không giới hạn nên khá nhiều hàng hóa ở giao diện chính nhưng chưa có sự sắp xếp hợp lý. Ngoài ra cũng phải kể tới thông tin về hàng hóa được đưa lên, phần lớn các sản phẩm chưa còn thiếu nguồn gốc xuất xứ, thông tin hàng hóa.
Để khắc phục những nhược điểm trên, KGP cần dành nhiều chú ý thêm về vấn đề thiết kế giao diện người dùng và cải thiện thuật toán đưa tin. Một giao diện thân thiện và được đầu tư nghiên cứu về trải nghiệm người dùng sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng thành công trong các giao dịch. Một hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm, kiểm duyệt nguồn gốc cũng là cần thiết để tạo sự tin tưởng từ người dùng. Ngoài ra, vì ứng dụng tích hợp khá nhiều tiện ích, để tránh mất thời gian làm quen của người dùng, những hướng dẫn trong lần sử dụng đầu tiên nên được bổ sung.
Kết:
Tập trung vào ngành hàng may mặc thời trang, Kprice đã hỗ trợ phát triển hơn 2000 gian hàng trên hệ thống với số đầu sản phẩm đã vượt qua con số 1 triệu. Để đạt được mục tiêu 30,000 giao dịch/ tháng, nhà phát triển cũng đứng ra cung ứng dịch vụ giao hàng miễn phí Kship và nhiều tiện ích khác cho các cửa hàng thời trang tuy nhiên chỉ áp dụng trên địa bàn Đà Nẵng.
Theo anh Nghĩa, mục tiêu đến hết năm 2014, Kprice sẽ có được 1 triệu người sử dụng trên ba nền tảng là iOS, Android và Windows Phone. Từng bước, sản phẩm sẽ mở rộng thêm hình thức thu phí gian hàng VIP, vẫn miễn phí gian hàng thông thường và chỉ thu lợi nhuận trên mỗi giao dịch thành công. Sau iOS, Android, Nghĩa cho biết Kprice dự kiến sẽ có mặt trên Windows Phone vào cuối tháng 6/2014.
Theo thống kê mới nhất của KPCB, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu ở Silicon Valley, thiết bị di động chiếm tới 20% thời lượng sử dụng các thiết bị thông tin của con người, đứng sau Internet với 25% và Tivi với 38%. Do đó, smartphone đã được các nhà nghiên cứu thị trường đánh giá là hàng hóa thiết yếu. Điều này có quan hệ chặt chẽ đối với sự phát triển của xu hướng m-commerce với ước tính tăng trưởng 39% mỗi năm và doanh thu đạt 39 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2016.
Người tiêu dùng ngày càng có hiểu biết hơn và lựa chọn phương thức mua sắm thông minh hơn. Điều này vừa là cơ hội cho các sản phẩm startup TMĐT trên thiết bị di động như Kprice, vừa là thách thức không nhỏ vì thu hút người sử dụng không phải là dễ. Theo giới chuyên phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam, các ứng dụng tốn khoảng 1 đô-la Mỹ cho chi phí tiếp thị để có một người dùng mới. Với tham vọng phát triển thị trường TMĐT trên di động tại Đà Nẵng trong năm nay, Kprice sẽ cần nỗ lực rất nhiều.