Anh Tùng, chủ một dự án website thương mại điện tử cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một lớn, việc chốt được đơn hàng với khách không đơn giản. Không những vậy, chỉ đến khi người bán nhận được tiền về mới yên tâm rằng giao dịch đã thành công.
“Không ít khách đặt hàng và cho biết sẽ thanh toán khi nhận sản phẩm. Tuy nhiên khi nhân viên hãng vận chuyển đến và gọi điện nhận hàng thì không nghe máy cũng như không lấy hàng. Một số trường hợp, nhân viên chuyển phát mang hàng đến nhà thì đó là địa chỉ không có thực hoặc không có người nhận", anh Tùng cho hay.
Hình thức thanh toán tiền mặt sau khi nhận hàng (Cash on Delivery - COD), theo anh Tùng khiến người bán hàng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro. Bởi vì, sau một tuần nếu hãng vận chuyển không liên hệ được với bên mua, sản phẩm đó bắt buộc phải trả lại cho bên gửi. Khi đó bên bán phải thanh toán toàn bộ phí chuyển phát 2 chiều, cộng với phí COD (phí ủy thác cho nhân viên của hãng vận chuyển thu tiền hộ). Tuy nhiên tại đơn vị này, hình thức COD vẫn chiếm tới gần 90% trong số các giao dịch.
Chuyên gia thương mại điện tử thuộc Đại học Thương mại, ông Phan Anh thừa nhận hình thức trả tiền khi nhận hàng thường rất tốn kém và mang lại rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Theo ông, các cơ sở kinh doanh trực tuyến sẽ phải chịu 5 chi phí liên quan đến quảng cáo, gọi điện, kế toán, và nặng nhất là phí vận chuyển hàng… khi người tiêu dùng lựa chọn trả tiền khi nhận sản phẩm. Bên cạnh tình trạng bị khách bỏ rơi như trong trường hợp nói trên, không ít người khi nhận hàng lại không muốn mua nữa nên khả năng bị hoàn trả là khá cao. Theo ông, tỷ lệ bị hoàn trả đối với bán hàng trực tuyến tại Việt Nam hiện vào khoảng từ 10 – 30 % tùy từng loại sản phẩm và doanh nghiệp.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita - Bộ Công Thương) cho thấy tại Việt Nam, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận được hàng.Cụ thể, trong năm 2014, vẫn có 64% giao dịch thương mại điện tử nhưng sử dụng tiền mặt để thanh toán, hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ bằng một nửa con số này.
Cũng theo thống kê của đơn vị này, vào Ngày mua sắm trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức năm 2014, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng vẫn là hình thức được sử dụng nhiều nhất khi chiếm tới 72%. Trong khi đó, các phương tiện phổ biến và được xem là tương lai của thanh toán thế giới như thẻ thanh toán và ví điện tử chiếm lần lượt là 2% và 3%.
Vecita cho rằng, nếu đa số giao dịch thương mại điện tử theo hình thức COD rủi ro lại về phía doanh nghiệp là khá lớn khi bị hạn chế bởi các yếu tố chậm thu hồi vốn, chi phí vận chuyển cao…
Đồng tình với quan điểm này, ông Luyện Ngọc Huy, Tổng giám đốc đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán 1Pay, thuộc Công ty MOG Việt Nam cho rằng, rủi ro lớn nhất của các doanh nghiệp nằm ở 2 vấn đề chính là chi phí vận hành và quản trị dòng tiền.
"Khi chưa điện tử hóa được khâu thu tiền thì điều đó đồng nghĩa với việc chi phí vận hành của doanh nghiệp thương mại điện tử đó sẽ lớn và làm cho cấu trúc chi phí giảm lành mạnh. Điều đó cũng ảnh hưởng một cách gián tiếp đến việc mở rộng kinh doanh. Việc thanh khoản và quản trị rủi ro của dòng tiền cũng gặp vấn đề lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp nội địa nhỏ, ít vốn. Mọi việc thu tiền qua COD sẽ làm cho dòng tiền bị chậm lại, rủi ro lớn hơn nên việc quản trị dòng tiền của doanh nghiệp sẽ tốn thời gian", ông Huy nhận định.
Ông Phan Anh cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là niềm tin vào thương mại điện tử thấp và thói quen dùng tiền mặt vẫn đang bén rễ vào hành vi người tiêu dùng. “Không phải người tiêu dùng không có công cụ để thanh toán, mà họ không có niềm tin đối với người bán và thói quen của họ chưa thể thay đổi”, chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, theo đại diện Vecita, bên cạnh yếu tố niềm tin, còn một yếu tố khá quan trọng khác cũng gân cản trở đối với thanh toán điện tử khi mua sắm online, đó là doanh nghiệp chưa hiểu hết tầm quan trọng của thanh toán điện tử.
"Hiện chỉ có khoảng hơn 60% tổng số các doanh nghiệp trong nước là có website đang hoạt động, và chỉ hơn 50% trong số những website này là có tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến", đại diện đơn vị này cho biết. Do đó, vị này đề xuất một số giải pháp đồng bộ như xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình, đặc biệt loại hình B2C giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng…