Tin tức
Mắt xích quan trọng của thương mại điện tử
14/08/2012

Mắt xích quan trọng của thương mại điện tử

 

Hải quan điện tử là một hệ thống gồm các trình tự và thủ tục hải quan được tự động hóa nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin

Nhu cầu tự động hóa hoạt động hải quan đã được đặt ra cách nay hơn 30 năm khi số khách du lịch và lượng hàng hóa thông quan ở các cảng và cửa khẩu tăng lên đột ngột, đặc biệt là hàng hóa với nhiều chủng loại, từ đồ dùng hằng ngày đến nguyên-nhiên-vật liệu và máy móc, từ sản phẩm đóng gói đến hoa tươi hay động vật sống. Dưới các góc độ khác nhau, hải quan điện tử là một mắt xích quan trọng của thương mại điện tử trong xu thế toàn cầu hóa, của việc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa và của việc quản lý an ninh và mậu dịch điện tử xuyên biên giới.

Việc tự động hóa ở mỗi loại cảng hay cửa khẩu thường được thực hiện theo nhiều phân khúc trước khi hoàn thiện trong một hệ thống đồng bộ và thống nhất cho mỗi nước. Các trình tự và thủ tục hải quan được chuẩn hóa ở cấp quốc gia trên cơ sở nội luật hóa các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đầu các năm 1990, Úc giới thiệu chuẩn mực UN/EDIFACT và Nhật Bản thiết lập hệ thống thanh toán hải quan tự động gọi tắt là NACCS. Hội đồng Hợp tác hải quan (CCC), vốn trước đây là Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), khuyến cáo các nước nên áp dụng tiêu chuẩn hải quan theo UN/EDIFACT. Hiện nay Hàn Quốc là nước có trình độ hải quan cao nhất, và Việt Nam là nước đang đẩy nhanh tốc độ triển khai thủ tục hải quan điện tử để thiết lập cơ chế một cửa chung cho toàn vùng Đông Nam Á.

Triển khai hải quan điện tử ở Việt Nam

Ngay sau Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg (năm 2005) của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch chuẩn bị và triển khai thí điểm hải quan điện tử ở nước ta bắt đầu khởi động từ năm 2007, và đến tháng 10-2011 Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ việc kết thúc giai đoạn thí điểm, chính thức triển khai hải quan điện tử trên toàn quốc từ năm 2012 này.Đây quả là một chặng đường dài với nhiều nỗ lực xét trên hoàn cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển với những sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin. Thêm vào đó, Việt Nam thuộc vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống bến cảng và dịch vụ hải quan chịu những sức ép rất lớn làm trầm trọng thêm những mặt yếu kém. Trong khi việc tái cơ cấu, cải tạo hay xây dựng các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không hay các cửa khẩu đang được thực hiện khẩn trương thì việc cải tiến hoạt động để chuyển từng phần hay toàn bộ hải quan truyền thống sang hải quan điện tử trở thành một trong các “nhân tố then chốt” khả dĩ hỗ trợ hay kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.Bản báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến tháng 4 vừa qua việc thí điểm và thí điểm mở rộng đã thiết lập được hệ thống thông quan điện tử tại hầu hết các cảng thuộc 20 cục hải quan quan trọng như TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Hà Nội. Tại đó chữ ký số đã được áp dụng trong việc truyền nhận dữ liệu. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành cổng thanh toán điện tử và kết nối với các ngân hàng bằng đường truyền tốc độ cao. Tính đến 30-4, ngành hải quan đã tiếp nhận 267.021 tờ khai điện tử và thu phí hải quan lên đến 44.341 tỉ đồng qua đường thanh toán điện tử. Song song với việc thí điểm, thí điểm mở rộng và kiện toàn tổ chức theo từng đơn vị là quá trình nội luật hóa các chuẩn mực và thông lệ hải quan quốc tế.

 

 

 

Quá trình này sẽ còn tiến xa hơn nữa với kế hoạch thông quan tàu điện tử trong giai đoạn 2012-2013 và triển khai dự án thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia gọi tắt là VNACCS do Nhật Bản tài trợ trong hai năm 2014 và 2015.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Trong khi chúng ta mới bắt đầu chính thức triển khai hải quan điện tử (và có thể còn cần đến vài lần hoàn chỉnh nữa) thì nhiều nền kinh tế đã vận hành hệ thống hải quan tự động cho tất cả các mặt hàng chứ không riêng gì các nhóm chọn lọc. Châu Âu là một điển hình về cơ chế một cửa (single window) chung cho cả khối chứ không riêng gì mỗi nước. Ở một số nước khác như Mỹ, đã có sự chuyển tiếp từ hải quan điện tử (eCustoms) lên quản lý biên mậu điện tử (eBorder management), theo đó hải quan còn đóng góp vào cả việc bảo đảm an ninh, an toàn hay ngăn ngừa tội phạm.

Quá trình xây dựng hệ thống hải quan điện tử ở nước ta có hoàn cảnh và bước đi gần gũi với cách mà Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện từ năm 1992 đến năm 2009 để tạo nên một hệ thống hải quan tự động tốt nhất, và chúng ta có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ một đối tác lớn trong thương mại và đầu tư hiện nay.

Hải quan điện tử của Hàn Quốc được thiết kế dựa trên hệ thống thanh toán hải quan EDI (electronic data interchange) theo như khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới. Việc thực hiện được phân ra làm năm hạng mục theo trình tự thời gian: Xây dựng kế hoạch thông quan tự động EDI (1992-1993); Triển khai áp dụng và rút kinh nghiệm hệ thống thông quan EDI (1994-1999); Thiết lập hệ thống quản lý thông tin (2000-2003); Triển khai cơ chế dịch vụ thông quan Internet và Triển khai cơ chế một cửa quốc gia cùng một lúc, kể từ năm 2003 đến năm 2009. Như vậy, sau thời gian chuẩn bị và áp dụng thí điểm (1992-1999) như chúng ta vừa hoàn tất là thời kỳ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và thiết lập cơ sở dữ liệu kéo dài bốn năm. Rõ ràng là Chính phủ Hàn Quốc không muốn cắt ngắn giai đoạn này vì đó là phần cốt lõi cho việc vận hành hệ thống hải quan điện tử. Nhờ đó, kể từ năm 2003 hệ thống hải quan tự động và cơ chế một cửa chính thức hoạt động và kể từ năm 2009 đã vận hành trơn tru.

Lợi ích của hải quan điện tử

Bản báo cáo thương mại điện tử năm 2009 của Bộ Công Thương và báo cáo đầu năm nay của Tổng cục Hải quan đều cho thấy thành quả tích cực của việc tự động hóa hải quan trong giai đoạn thí điểm vừa qua. Một bản báo cáo mang tính phân tích của cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) cho thấy hệ thống hải quan điện tử ở nước này đã đạt được cả năm mục tiêu chính, gồm: Tạo lập hệ thống thanh toán điện tử tầm vóc quốc tế UNI-PASS; Tạo nên cổng dịch vụ một điểm dừng (one-stop service) trong thương mại quốc tế; Tăng cường khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất nhập khẩu; Nâng cao hiệu quả quản lý hành chính của cơ quan hải quan và Tăng cường vị thế cho ngành hải quan Hàn Quốc ở trong và ngoài nước. Việc áp dụng EDI vào việc thông quan hàng hóa và thanh toán xuất nhập khẩu trong giai đoạn 1994-1998 đã giúp hải quan Hàn Quốc qua mặt cả Mỹ và Nhật để trở thành tổ chức hải quan hoàn toàn tự động. Lúc bấy giờ mỗi năm hệ thống này tiếp nhận và xử lý tức thời trung bình 180 triệu hồ sơ khai báo.

Tăng cường khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất nhập khẩu đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Hàn Quốc hiện nay được đánh giá là có tốc độ thông quan nhanh nhất trong 175 thành viên Tổ chức Hải quan thế giới: 2 phút cho một hồ sơ xuất khẩu, 2,5 giờ cho một hồ sơ nhập khẩu, 5,2 giờ cho thủ tục hoàn thuế và chỉ 10 phút cho việc đóng thuế.

Năm 2006, Cơ quan Điện toán quốc gia công bố báo cáo đánh giá hiệu quả của quy trình tin học hóa hải quan Hàn Quốc. Theo đó, hệ thống thanh toán EDI tạo nên nguồn thu 709 tỉ won cho cơ quan hải quan, 2.370 tỉ won giá trị sản xuất tăng thêm cho ngành công nghiệp trong nước và 798 tỉ won cho ngành hậu cần. Tổng cộng có đến 2.800 tỉ won mà nền kinh tế có được nhờ triển khai hệ thống hải quan điện tử, chưa kể 640 tỉ won là nguồn lợi gián tiếp từ việc sử dụng cổng thanh toán Internet và áp dụng cơ chế một cửa.

Ý kiến bạn đọc