Hải quan điện tử là một hệ thống gồm các trình tự và thủ tục hải quan được tự động hóa nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhu cầu tự động hóa hoạt động hải quan đã được đặt ra cách nay hơn 30 năm khi số khách du lịch và lượng hàng hóa thông quan ở các cảng và cửa khẩu tăng lên đột ngột, đặc biệt là hàng hóa với nhiều chủng loại, từ đồ dùng hằng ngày đến nguyên-nhiên-vật liệu và máy móc, từ sản phẩm đóng gói đến hoa tươi hay động vật sống. Dưới các góc độ khác nhau, hải quan điện tử là một mắt xích quan trọng của thương mại điện tử trong xu thế toàn cầu hóa, của việc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa và của việc quản lý an ninh và mậu dịch điện tử xuyên biên giới.
Việc tự động hóa ở mỗi loại cảng hay cửa khẩu thường được thực hiện theo nhiều phân khúc trước khi hoàn thiện trong một hệ thống đồng bộ và thống nhất cho mỗi nước. Các trình tự và thủ tục hải quan được chuẩn hóa ở cấp quốc gia trên cơ sở nội luật hóa các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đầu các năm 1990, Úc giới thiệu chuẩn mực UN/EDIFACT và Nhật Bản thiết lập hệ thống thanh toán hải quan tự động gọi tắt là NACCS. Hội đồng Hợp tác hải quan (CCC), vốn trước đây là Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), khuyến cáo các nước nên áp dụng tiêu chuẩn hải quan theo UN/EDIFACT. Hiện nay Hàn Quốc là nước có trình độ hải quan cao nhất, và Việt Nam là nước đang đẩy nhanh tốc độ triển khai thủ tục hải quan điện tử để thiết lập cơ chế một cửa chung cho toàn vùng Đông Nam Á.
Triển khai hải quan điện tử ở Việt Nam
Ngay sau Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg (năm 2005) của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch chuẩn bị và triển khai thí điểm hải quan điện tử ở nước ta bắt đầu khởi động từ năm 2007, và đến tháng 10-2011 Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ việc kết thúc giai đoạn thí điểm, chính thức triển khai hải quan điện tử trên toàn quốc từ năm 2012 này.Đây quả là một chặng đường dài với nhiều nỗ lực xét trên hoàn cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển với những sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin. Thêm vào đó, Việt Nam thuộc vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống bến cảng và dịch vụ hải quan chịu những sức ép rất lớn làm trầm trọng thêm những mặt yếu kém. Trong khi việc tái cơ cấu, cải tạo hay xây dựng các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không hay các cửa khẩu đang được thực hiện khẩn trương thì việc cải tiến hoạt động để chuyển từng phần hay toàn bộ hải quan truyền thống sang hải quan điện tử trở thành một trong các “nhân tố then chốt” khả dĩ hỗ trợ hay kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.Bản báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến tháng 4 vừa qua việc thí điểm và thí điểm mở rộng đã thiết lập được hệ thống thông quan điện tử tại hầu hết các cảng thuộc 20 cục hải quan quan trọng như TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Hà Nội. Tại đó chữ ký số đã được áp dụng trong việc truyền nhận dữ liệu. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành cổng thanh toán điện tử và kết nối với các ngân hàng bằng đường truyền tốc độ cao. Tính đến 30-4, ngành hải quan đã tiếp nhận 267.021 tờ khai điện tử và thu phí hải quan lên đến 44.341 tỉ đồng qua đường thanh toán điện tử. Song song với việc thí điểm, thí điểm mở rộng và kiện toàn tổ chức theo từng đơn vị là quá trình nội luật hóa các chuẩn mực và thông lệ hải quan quốc tế. Quá trình này sẽ còn tiến xa hơn nữa với kế hoạch thông quan tàu điện tử trong giai đoạn 2012-2013 và triển khai dự án thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia gọi tắt là VNACCS do Nhật Bản tài trợ trong hai năm 2014 và 2015.