Tin tức
Người dùng phớt lờ những cảnh báo bảo mật thông tin
15/11/2010
Phần lớn mọi lời cảnh báo về những việc không nên làm trên Facebook thường đều trở thành "đàn gảy tai trâu", chẳng ai chịu làm theo những lời khuyên đó.

Cảnh báo!

Thông tin không nên đưa: thời gian đi nghỉ. Việc không nên làm: kết bạn với người lạ.

Cô gái Janet Smith 18 tuổi nhanh chóng ấn nút accept (chấp nhận) một lời mời kết bạn trên Facebook từ một người hoàn toàn xa lạ lấy tên là Amber Moore. Thường thì cô không làm thế, nhưng dường như người này có nhiều điểm tương đồng với cô.

Amber Moore nói cô vừa chuyển tới Hạt Marin (bắc San Francisco) - nơi Smith đang sinh sống - và, cũng như Smith, cô sắp trở thành tân sinh viên của Đại học California tại Santa Barbara. (Smith đã đăng thông tin về trường mình lên Facebook).

"Tôi ngỏ ý muốn đưa cô ấy đi tham quan nơi ở mới", Smith nhớ lại. Các cuộc chuyện trò trên Facebook nhanh chóng chuyển thành các tin nhắn điện thoại di động. Moore mời Smith tới nhà mình uống rượu margarita và tắm nước nóng.


Không nên chấp nhận đề nghị làm bạn của người lạ trên Facebook
 
Smith nhận thấy điều này có vẻ kỳ cục đối với một cuộc gặp đầu tiên giữa hai người xa lạ. Cô liền kiểm tra tài khoản Facebook của Moore và phát hiện ra rằng tất cả bạn bè của Moore đều ở California chứ không có ai ở Texas, nơi Moore kể là đã từng sống. Phát hiện này cũng rất lạ lùng với Smith.

Hai người đã lên kế hoạch gặp nhau vài lần, nhưng rồi lần nào cũng vậy, bao giờ Moore cũng có những lý do bất khả kháng, không thể tới nơi hẹn. Smith bắt đầu nghi ngờ. Cô gọi điện cho Moore song cô ta không hề bắt máy. Cô yêu cầu Moore gọi lại thì cô ta nói rằng mình "không thuộc típ người thích dùng điện thoại".

Smith kể với bố mẹ về những nghi ngờ của mình, sau đó cô trả  5USD cho một website để xác định danh tính của chủ sở hữu số thuê bao điện thoại di động. Hóa ra đó lại là một người đàn ông sống ở San Rafael, California - đây cũng là nơi Smith từng sống.

Smith bỏ ra thêm 40 USD nữa cho một website khác để tìm hiểu kỹ hơn về địa chỉ, tuổi tác, thời gian lưu trú, cùng nhiều thông tin khác của người đàn ông này. "Tôi liền nhanh chóng xóa tên "cô ta" khỏi danh sách bạn bè của mình trên Facebook", Smith nói.

Họ còn tới gặp cảnh sát để khai báo, song anh ta chưa phạm tội gì cả. Việc lập tài khoản Facebook giả không phải là hành động vi phạm pháp luật. Smith chia sẻ, cô thấy sởn gai ốc khi nghĩ đến chuyện có gã đàn ông nào lại giả dạng làm một nữ sinh viên năm nhất.

Vài ngày sau, tài khoản của Amber Moore trên Facebook hoàn toàn biến mất. Smith nói, bài học cô rút ra ở đây là: "Không nên chấp nhận đề nghị làm bạn của người lạ". Các thành viên của Facebook hãy lưu ý: Khi nhận lời một người lạ, bạn chưa thực sự biết mình đang kết bạn với ai đâu.

Nhưng ai sẽ nghe cảnh báo?

Có thể bạn đã nghe thấy lời cảnh báo này rồi. Nhưng theo như Linda Criddle, chủ tịch Liên minh Internet An toàn, cho hay, phần lớn những lời cảnh báo về những việc không nên làm trên Facebook lại thường trở thành một thứ "đàn gảy tai trâu". Chẳng ai chịu làm theo những lời khuyên đó cả.

Criddle cho biết có lúc bà chỉ có 23 người bạn trên trang LinkedIn. Nếu kết bạn thêm với các bạn bè của bạn mình, mạng lưới quen biết của bà có thể lên tới con số vài nghìn người. Và nếu kết bạn thêm với bạn bè của những người bạn đó, bà có thể có tới vài trăm nghìn người quen biết. Song Criddle cũng cảnh báo: "Một khi bạn đã chia sẻ điều gì đó với bất kỳ người bạn nào, thì chính họ chứ không phải bạn sẽ có quyền quyết định đưa thông tin đó đi xa tới đâu. Có thể họ sẽ để những chia sẻ của mình ở chế độ công khai".


Giữ chế độ riêng tư càng nghiêm ngặt càng tốt
 
Vì vậy, hãy nhớ: đừng thông báo về thời gian bạn đi nghỉ. Đã có rất nhiều trường hợp những người trong mạng lưới bạn bè của bạn bè tìm cách lẻn vào các ngôi nhà vắng chủ để khoắng đồ. Đừng khoe gì về chiếc iPhone 4 hay chiếc TV màn hình phẳng cực kỳ thú vị mà bạn mới sắm - bởi điều này có thể biến bạn thành mục tiêu của kẻ trộm.

Cũng đừng công khai địa chỉ nơi ở, bởi nếu không, kẻ trộm sẽ biết đường tới nhà bạn. Hãy giữ kín tất cả các bức ảnh về gia đình, bạn bè, và những gì bạn có để kẻ trộm không tiếp cận được các thông tin chi tiết nào.

Hiện chưa có thống kê nào về số lượng các vụ trộm được thực hiện với sự trợ giúp của các thông tin cá nhân trên Facebook hay trên các website kết nối xã hội khác. Criddle lưu ý: "Đến giờ vẫn chưa có tội danh dành cho những hành động phạm pháp xuất phát từ "các thông tin tìm kiếm được trên mạng".

Tuy nhiên, cũng theo Criddle, cảnh sát đang ngày càng ý thức rõ hơn về vấn đề này; và FBI cũng đang cập nhật thông tin về các loại tội phạm được Internet hỗ trợ. Song vẫn tồn tại nhiều khó khăn: Học viên tại các trường đào tạo cảnh sát phần lớn đều không được học về các vấn đề này; và do bị cắt giảm chi phí nên các sĩ quan cảnh sát đang oằn mình với một khối lượng công việc ngày càng lớn.

Cách làm an toàn nhất hiện nay là giữ chế độ riêng tư càng nghiêm ngặt càng tốt - và hãy nghĩ kỹ trước khi kết bạn với người lạ hay đăng tải các thông tin cá nhân.

Tác giả: Kerry A. Dolan & Paul Jones

Theo TuanVietNam/ Forbes
Ý kiến bạn đọc