Kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng tất yếu ở các nước, trong đó có Việt Nam
Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc khai thác kênh xúc tiến bán hàng tiềm năng này, nhưng để phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh, có kinh nghiệm và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu là không dễ.
Cầu tăng
Theo thống kê của Vietnamworks. com, nhu cầu tuyển dụng của ngành internet/online Media đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2011, nhu cầu tuyển dụng của ngành này đã tăng 2,043% so với năm 2009.
Và hiện nay, các vị trí liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) chiếm gần 4,9% trong tổng số nhu cầu trên Vietnamworks.com. Trong khi đó, tỉ lệ tuyển dụng trong các ngành nghề “lúc nào cũng cần” như bán hàng cũng chỉ chiếm 17,5%, marketing 12,5%, kế toán, kiểm toán 7,8%.
Như vậy, dù chỉ mới bắt đầu phát triển nhưng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực TMĐT giữ tỷ trọng không nhỏ trên thị trường tuyển dụng và đang có xu hướng gia tăng. Theo ông Vincent Wong, Giám đốc Điều hành Bộ phận Phát triển Kinh doanh và Dịch vụ người mua của Tập đoàn Alibaba.com, một trong những lý do khiến nhu cầu lao động trong ngành TMĐT của Việt Nam tăng mạnh là do càng ngày càng có nhiều người tìm kiếm các sản phẩm mới và cơ hội mở rộng giao thương với các nước.
Hiện nay, các DN Việt Nam đang chủ động muốn tiếp cận nhà nhập khẩu nước ngoài thông qua TMĐT. Đã có 200.000 DN Việt Nam trở thành viên của Alibaba.com, cao hơn nhiều so với một số nước trên thế giới tham gia bán hàng qua dịch vụ trực tuyến của tập đoàn này. Một yếu tố nữa khiến nhu cầu nhân lực TMĐT tăng cao là tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Trên thực tế, các DN tìm kiếm ứng viên chuyên về TMĐT đang tăng mạnh. Vào Google, gõ cụm từ “nhân viên bán hàng online”, chỉ trong vòng 0,14 giây sẽ hiện lên 18,3 triệu thông tin cần tuyển nhân viên bán hàng trực tuyến của các DN. Trên rất nhiều trang tìm việc trực tuyến như vietnamworks.com, timviecnhanh.com, jobs.vn, chonviec.com, careerlink.vn..., các thông tin tìm kiếm chuyên viên về TMĐT đăng tải khá nhiều.
Mới đây, Zalora Việt Nam, một công ty chuyên bán hàng thời trang trên mạng cũng đã rao tuyển một lượng lớn lao động, từ quản lý, điều hành, xuất nhập khẩu cho đến bán hàng, kinh doanh mạng lưới... Chưa biết chất lượng nhân sự cần tuyển của DN này thế nào, nhưng nhìn vào số lượng tuyển dụng đến vài trăm nhân viên cũng đã thấy sức hút nhân lực của ngành bán hàng online.
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực TMĐT sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong chiến lược phát triển, Chính phủ đã chọn phát triển nguồn nhân lực TMĐT là một trong những ưu tiên. Sở Công Thương các tỉnh - thành đã và đang thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển nguồn nhân lực TMĐT với nhiều hoạt động dành cho DN, như đầu tư trang thiết bị, phần mềm, tuyên truyền, đào tạo, tổ chức các chuyến tham quan học tập...
Bên cạnh những tín hiệu khả quan về nhu cầu thị trường, chính sách của Chính phủ, nguồn lao động trẻ nhanh nhạy trong các lĩnh vực công nghệ thông tin cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của nguồn nhân lực TMĐT.
Nhiều thách thức
Nhu cầu đang tăng cao nhưng vấn đề đào tạo lại là một thách thức lớn cho ngành này. Theo kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của DN. Nhưng để thực hiện được điều này, mỗi DN cần ít nhất một kỹ thuật viên TMĐT.Như vậy, đến năm 2015, để phục vụ cho hoạt động cho DN cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển TMĐT, cả nước cần phải có khoảng 374.640 kỹ thuật viên. Với tình hình đào tạo của nước ta thì mức cung không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
PGS-TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, trong một cuộc hội thảo bàn về việc đào tạo nhân lực TMĐT gần đây, cho biết, hiện nay, cả nước chỉ có hai trường mở chuyên ngành TMĐT, các trường khác chỉ dạy môn TMĐT trong hệ thống các môn học của ngành kinh tế. Với thực trạng đào tạo này, số lượng nhân lực chuyên về TMĐT trong cả nước chỉ có thể đáp ứng 0,1% nhu cầu.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Trưởng Khoa TMĐT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ công thương Trung ương, nói thêm: “Nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay không những thiếu về số lượng mà còn cả về chất lượng. Sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu và chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu của các DN”.