Tin tức
Thương mại điện tử Thiếu hụt nhân lực kỹ năng cao
12/07/2012

Dù chỉ mới bắt đầu phát triển nhưng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang giữ một tỷ trọng không nhỏ trên thị trường tuyển dụng và có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là nhân lực có kỹ năng.

 

“Khát” nhân lực TMĐT

 

Theo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (TMĐT & CNTT) (Bộ Công Thương), trong số 80 trường đại học, cao đẳng triển khai hoạt động đào tạo về TMĐT, chỉ có 2 trường đã thành lập khoa, 11 trường thành lập bộ môn, còn lại giao cho khoa kinh tế hoặc khoa CNTT đảm trách. Không những thế, đào tạo về TMĐT vẫn vướng chuyện bằng cấp, chứng chỉ. Theo TS. Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT - hiện TMĐT vẫn chưa được công nhận là một ngành chính thức trong hệ thống giáo dục đào tạo. Nhiều trường đã đề nghị các cơ quan hữu quan "vào cuộc" để TMĐT được công nhận là một ngành ở cấp bậc đại hoc. Tuy nhiên, để có được ngành TMĐT thì phải được Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định thông qua. Nguyên nhân này cũng khiến cho nhân lực TMĐT đã thiếu lại càng thiếu.

 

Trong báo cáo tháng 5/2012 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cả nước hiện có 468.300 DN đang hoạt động. Để thực hiện mục tiêu 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động, quảng bá sản phẩm, mỗi DN cần ít nhất 1 kỹ thuật viên TMĐT, như vậy tổng số kỹ thuật viên cần có đến năm 2015 vào khoảng gần 380.000 người- con số quá cao so với thực tế mức cung nhân lực TMĐT hiện nay.

 

Ông Trần Đình Toản - Phó tổng giám đốc Công ty OSB - đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam - chia sẻ: “Tiêu chí tuyển dụng nhân viên TMĐT quốc tế của DN không chỉ thông thạo về ngoại ngữ (để thực hiện các thao tác giao dịch trực tuyến với các đối tác), mà còn phải có hiểu biết về các thị trường tiềm năng và kinh nghiệm giao thương quốc tế. Bên cạnh đó, kiến thức về dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố không thể thiếu. Chính vì yêu cầu ngày càng cao nên nguồn nhân lực rất khó đáp ứng đủ”.

 

Thống kê của VietnamWorks.com cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của ngành Internet/Online Media trong 3 năm 2009-2011 đạt mức 2,04%. Đến tháng 5/2012, nhu cầu tuyển dụng của ngành này chiếm gần 4,9% trong tổng số nhu cầu trên VietnamWorks.com. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển dụng trong các ngành nghề cơ bản như bán hàng là 17,5%, marketing là 12,5% và kế toán/kiểm toán 7,8%.

 

Đào tạo đồng bộ, trên mọi phương diện

 

Để có thể khắc phục được vấn đề thiếu hụt nhân lực có kỹ năng về TMĐT, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động TMĐT một cách đồng bộ, trên mọi phương diện. Cụ thể, theo TS. Nguyễn Mạnh Quyền, các trường nên chú trọng phối hợp, chuyển giao các chương trình tiên tiến về thương mại điện tử(TMĐT), CNTT ứng dụng, quản lý kinh tế từ nuớc ngoài (đặc biệt của các nước phát triển) để đào tạo trong hệ đại học, cao đẳng và dạy nghề. Phát triển ứng dụng đào tạo trực tuyến (E-Learning) trong hoạt động đào tạo TMĐT để giảm chi phí cho học viên và đầu tư cho các nhà trường.

 

“Nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay không những thiếu về số lượng mà cả về chất lượng. Để nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, nhà trường đã có kế hoạch hàng năm cử sinh viên thực tập tại các DN là thành viên của các sàn  giao dịch TMĐT quốc tế (như Alibaba.com) để làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm để ngay khi tốt nghiệp, các em có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN”- ông Nguyễn Sỹ Dũng, Trưởng khoa TMĐT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương- khẳng định.

 

Nhằm hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, các Sở Công Thương trong cả nước đang xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo về TMĐT dành cho DN. Ngoài ra, các tổ chức, công ty thuộc các lĩnh vực có liên quan cũng thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, đào tạo nhằm cung cấp những kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nói chung và trên các sàn TMĐT dành cho DN nói riêng. Đây có thể xem là những tín hiệu sáng cho nguồn cung nhân lực TMĐT trong thời gian tới.n

 

Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015. Theo mục tiêu của kế hoạch, TMĐT được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nuớc thuộc ASEAN. Bên cạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nuớc về TMĐT, việc phát triển nguồn nhân lực về TMĐT được đặc biệt chú trọng, tập trung chủ yếu vào phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của TMĐT, đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT…

Ý kiến bạn đọc