Tin tức
Thương mại điện tử trong hội nhập và phát triển: “Đi tắt, đón đầu”
05/07/2013

Quyết định 1073/QĐ-TTg của Chính phủ đặt mục tiêu: Tới năm 2015: 80% DN lớn có trang thông tin điện tử; 70% DN tham gia; 5% DN tham gia các mạng kinh doanh điện tử. Tất cả DN nhỏ và vừa tiến hành giao dịch TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng hoặc DN với DN, 45% DN có trang thông tin điện tử; 30% DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT.        

Quyết định là sự cụ thể hóa các cam kết hội nhập quốc tế với WTO, APEC, ASEM mà Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ hợp tác phát triển. Phấn đấu TMĐT đạt mức tiên tiến ở Đông Nam Á, tạo tiền đề để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Phát huy ưu thế trong hội nhập

 Tại Hội thảo khoa học do Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế, Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Danh Vĩnh - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam - khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhu cầu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp (DN) ngày càng gia tăng và trở nên cấp thiết. Trong đó, chi phí và hiệu quả là vấn đề thường được quan tâm hàng đầu. Thực tế cho thấy, TMĐT có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. TMĐT giúp người tiêu dùng và các DN giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch. Cụ thể, thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua fax, bằng khoảng 0,5% thời gian giao dịch qua bưu điện; chi phí giao dịch qua Internet chỉ bằng 5% chi phí giao dịch qua fax hay qua bưu điện chuyển phát nhanh; chi phí thanh toán điện tử qua Internet chỉ bằng 10-20% chi phí thanh toán theo lối thông thường. Trong hai yếu tố cắt giảm này, yếu tố thời gian đáng kể hơn, vì việc nhanh chóng đưa thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng mà không phải qua trung gian có ý nghĩa sống còn trong cạnh tranh kinh doanh.

 Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay khoảng 99% các DN đã kết nối Internet. Cùng với sự ra đời các dịch vụ thanh toán điện tử từ cuối năm 2008 đến nay, các phương thức thanh toán trực tuyến đã từng bước góp phần đẩy mạnh TMĐT tại Việt Nam.

 

ông Trịnh Minh Anh - Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế  -nhận định, TMĐT là động lực quan trọng thúc đẩy hội nhập của nước ta. Kinh doanh TMĐT đã, đang là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và ưu tiên phát triển để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Việc lựa chọn và phát huy thế mạnh kinh doanh TMĐT là một chiến lược và bước đi hợp lý, giúp Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.

 Nhiều giải pháp “đi tắt, đón đầu”

 Ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam – nhìn nhận: Sau hơn 10 năm triển khai TMĐT, chúng ta cần đánh giá lại hiệu quả và những tồn tại để phát triển TMĐT hiệu quả hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể và sát sao hơn nữa đối với các DN triển khai hoạt động TMĐT, đặc biệt có những chính sách điều hành quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro và tạo lòng tin cho DN cũng như người tiêu dùng.

 Theo GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), cần từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các DN cung cấp hàng hóa dịch vụ, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu trong đời sống như: điện, nước, cước Internet, điện thoại, hàng điện tử, hàng thời trang, tiêu dùng... đầu tư ứng dụng hình thức thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng thương mại và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán phải đẩy mạnh đầu tư phát triển các hoạt động thanh toán trực tuyến, hỗ trợ các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nâng cao tỷ lệ nhận biết và niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán trực tuyến. Có chế tài nghiêm khắc cho các hành vi gian lận và thông tin gian dối trong giao dịch TMĐT.

 Cùng chung quan điểm, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 2 giải pháp cơ bản: Đẩy mạnh tham gia các cam kết hội nhập quốc tế về TMĐT và xây dựng, củng cố phát triển thị trường TMĐT trong nước. Để làm được điều này, đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT; phát triển nguồn nhân lực về TMĐT; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT.
Ý kiến bạn đọc