Hoạt động kinh doanh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đang trở thành xu hướng giao dịch thương mại ngày càng phổ biến trên thế giới
Ông Mitch Free - người sáng lập và là CEO của Tập đoàn MFG (Mỹ) chia sẻ: “Hiện nay, thương mại điện tử là điều đầu tiên người kinh doanh nghĩ đến khi bắt đầu bất cứ một hoạt động nào. Nhiều đối tác nước ngoài muốn làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam đã dùng internet để tìm kiếm các công ty cung cấp dịch vụ phù hợp. Do vậy, thương mại điện tử là một trong những phương thức quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia để thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, mở rộng mạng lưới kinh doanh hiệu quả. Và nếu doanh nghiệp nào không tận dụng được lợi thế thương mại điện tử, doanh nghiệp đó sẽ rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi quốc tế”.
Theo khảo sát về hoạt động thương mại điện tử của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương) hiện tại ở Việt Nam đang có 91% tỷ lệ doanh nghiệp đặt hàng qua điện thoại, 82% qua fax, 64% qua, và chỉ có khoảng 10% qua website.
Theo số liệu ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-Hồ Chí Minh, đưa ra cũng chỉ có 45% doanh nghiệp ở Việt Nam đã có website riêng để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp mình với các đối tác, khách hàng.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), cho biết: “Việc xúc tiến thương mại theo kiểu truyền thống cho hiệu quả không còn cao. Và thương mại điện tử là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tăng tính hiệu quả cho hoạt động kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp quảng bá website hình ảnh, sản phẩm hàng hóa của của mình và dễ dàng tiếp cận hơn đối với khách hàng. Chính vì vậy, thay vì bị động thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nên chủ động sử dụng internet và thương mại điện tử để tìm kiếm đối tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình”.