Tin tức
Tư duy "nghìn đơn hàng mỗi ngày" trong thương mại điện tử
29/07/2016

Không ít người kinh doanh nghĩ mức “nghìn đơn hàng mỗi ngày” chủ yếu dành cho những website thương mại điện tử uy tín, có tổ chức và có thương hiệu mạnh trên thị trường, thay vì các cá nhân kinh doanh trực tuyến.

Thực tế, không phải ai cũng làm được và chuyện giữ thành tích đều đặn mỗi ngày là không thể, vì kinh doanh cũng có ngày nắng - ngày mưa, ngày đầu tháng - ngày cuối tháng. Trước khi thực hiện, người kinh doanh cần biết về tư duy “trăm đơn, nghìn đơn”.

Sản phẩm

Việc đầu tiên là chiến lược sản phẩm lựa chọn để bán. Muốn có 1.000 đơn mỗi ngày, bạn nên hoặc cần phải bán nhiều loại hàng khác nhau trong cùng thời điểm, chạy quảng cáo trên nhiều fanpage, website... Khoảng 4-5 mặt hàng cùng bán có thể đạt được con số nêu trên nhưng không đều. 

Nếu bán nhiều hơn, cỡ 5-10 mặt hàng thì có được mốc trên khá dễ dàng. Nhưng nhiều loại sản phẩm có thể dẫn tới tình trạng “loãng” và khó tập trung, không tối ưu về lợi nhuận. Với sản phẩm ăn khách, bạn có thể bán một ngày được 500-1.000 sản phẩm. Ví dụ đầu mùa đông, bạn bán buôn và bán lẻ hàng nghìn đơn vị sản phẩm quần áo trong ngày, tranh thủ đầu vụ bán tốt.

Lựa chọn sản phẩm rất quan trọng, phải tính toán, có kinh nghiệm kinh doanh, chiến lược và đôi mắt tinh tường.

Đa kênh bán

Nếu phụ thuộc vào một kênh, ví dụ Facebook thì sẽ gặp trở ngại. Facebook tại Việt Nam là công cụ bán hàng đứng số một nhưng không phải là duy nhất. Bạn nên sử dụng đa kênh quảng cáo và bán hàng vào website hoặc fanpage, vừa bán buôn, vừa bán lẻ, trực tuyến trên diễn đàn, website, sàn thương mại điện tử... Bạn sản xuất, gia công hay chủ động được nguồn hàng giá gốc thì cứ thế mà bán, giá tốt thì bán buôn, bán lẻ, phát triển hệ thống bán buôn trực tuyến.

Một khách hàng của tôi đã phát triển hệ thống các đại lý bán buôn và bán lẻ trên Facebook, sau đó dùng quảng cáo đẩy sản phẩm đến các tỉnh thành, chia đơn hàng cho các đại lý. Như vậy, việc bán hàng sẽ bớt phụ thuộc vào vận chuyển và có đội ngũ bán đông đảo, sẵn sàng phục vụ khách. Có những ngày cao điểm (ví dụ 8/3), anh ấy bán khoảng 3.000 đơn.

Quảng cáo trực tuyến

Quảng cáo là công cụ quan trọng để thúc đẩy doanh số và sản lượng bán hàng trực tuyến. Đa kênh bán hàng đồng nghĩa với đa kênh quảng cáo, kênh chủ đạo có thể là Facebook, Google, SEO, Youtube, email… Lựa chọn nhiều công cụ cần phải cân đối tài chính, quan tâm và tối ưu theo công thức tính phí đơn hàng thành công, phân bổ ngân sách cho nhiều kênh. Bên cạnh đó, bạn cần theo dõi và đo lường các kênh và tỷ lệ chuyển đổi thành người mua. Các kênh đều có khả năng sinh ra đơn hàng, vấn đề là chi phí bao nhiêu cho mỗi đơn hàng thành công từ kênh đó. Kết hợp với các khuyến mại để giúp khách hàng ra quyết định mua ngay, mua nhiều hơn…

Kinh doanh theo chiến lược dài hạn hay “hớt váng”

Bạn nên theo đuổi linh hoạt cả hai chiến lược này, vì cách nào cũng tốt. Các sản phẩm chủ đạo cho chiến lược dài hạn, nhưng chiến lược hớt váng thích hợp với sản phẩm “hot”, theo xu hướng, có tính mùa vụ. “Hớt váng” xong rồi nghỉ, tìm sản phẩm khác để tiếp tục. Việc lựa chọn chiến lược kinh doanh như trên có thể đảm bảo được sản lượng đơn hàng bán được nhiều và thường xuyên.

Cũng cần lưu ý, không phải 1.000 đơn hàng luôn có lãi hơn 200 đơn. Bạn cần tối ưu chi phí, tối đa doanh thu, lợi nhuận, quản trị nội bộ. Sản phẩm bán trên mạng thì có thời, có thì vì thị trường cần phục hồi hoặc mặt hàng chỉ có tính thời vụ. Quan trọng là thu được bao nhiêu lợi nhuận trong ngày, tuần, tháng.

Làm nội dung quảng cáo

Video, ảnh, bài viết... có thể thuê bên thứ ba để làm cho nhanh và chuyên nghiệp. Nếu bạn tự làm thì chủ động sẽ nhanh, tiện và rẻ. Yêu cầu về chất lượng trên Internet cũng không quá khắt khe, vì hầu hết mọi người xem bằng điện thoại, máy tính bảng và máy tính, quan trọng là ý tưởng và thông điệp.

Quy trình chốt đơn hàng

Bạn nên có một quy trình chốt đơn hàng từng bước, phân công cụ thể cho nhân viên, từ chăm sóc web, fanpage, bình luận, gọi điện thoại, gửi email, xác nhận đơn hàng, chăm sóc khách sau bán. Bạn có thể cần 2-3 người chăm sóc fanpage, website, quản trị bình luận, chat, tin nhắn của khách hàng kết hợp với phần mềm ẩn bình luận. Sau khi có thông tin khách hàng thì chuyển dữ liệu qua phần mềm quản lý để đưa sang bộ phận chốt đơn. 

Bộ phận chốt đơn

Chốt đơn hàng sẽ gồm nhân viên gọi điện thoại chốt đơn dựa trên dữ liệu có sẵn, và cập nhật trạng thái của đơn hàng (ví dụ như thành công thì có đầy đủ địa chỉ mua hàng, không thành công thì ghi lý do… Ngoài lương cứng, nên có thưởng đơn hàng thành công để động viên nhân viên làm việc đúng và chăm chỉ, và tránh việc bỏ sót số điện thoại, thư hay bình luận của khách hàng.

Kho hàng

Nếu số lượng mặt hàng và sản phẩm đều lớn, để xuất được vài trăm đến cả nghìn đơn hàng mỗi ngày thì cần 3-5 người phụ trách kho hàng, kiểm soát xuất kho, đóng hộp, dán địa chỉ người mua, gửi hàng cho công ty giao vận.

Vận chuyển hàng hóa

Đơn hàng nội thành nên có đội ngũ vận chuyển riêng hoặc thuê bên chuyên làm sẽ nhanh và thuận lợi. Hàng hóa đi tỉnh nên chia cho nhiều đơn vị vận chuyển để giảm số hàng hóa mỗi bên ship, tránh phụ thuộc vào một đối tác quá lớn (có thể rủi ro). Quản lý tình trạng hàng (theo dõi vận đơn), kết quả đơn hàng để biết lượng hàng hoàn trả, những lý do bị hoàn trả và cần phải khắc phục như thế nào để tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí.

Kế toán hoặc thủ quỹ

Nếu làm nhiều, bạn có thể cần nhân viên kế toán hoặc thủ quỹ, không cần trình độ cao vì các giao dịch khá đơn giản và rõ ràng. Kế toán tổng hợp lo các khoản thu chi, quản lý kho hàng, xuất hàng, làm việc với các bên để thu tiền, chấm công và lương nhân viên (nếu có) sẽ giúp bạn nhẹ đầu và quản lý dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận theo ngày, tuần, tháng dễ dàng.

 Theo: kinhdoanh.vnexpress.net

Ý kiến bạn đọc