Tin tức
Uber sẽ thành lập công ty hỗ trợ vận tải mới tại Việt Nam
03/12/2015
 Uber sẽ chỉnh sửa Đề án thí điểm dịch vụ kết nối vận tải theo hợp đồng điện tử thành dịch vụ hỗ trợ vận tải và dự kiến thành lập công ty mới tại Việt Nam với chức năng hỗ trợ vận tải và sẽ trình lại đề án trong thời gian sớm nhất.


Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam đã khẳng định khi trao đổi với phóng viên VietnamPlus liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải vừa trả lại Đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber.

- Bộ Giao thông Vận tải vừa trả lại Đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber mà nguyên nhân chính là do đơn vị không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tại sao việc thành lập doanh nghiệp để hoạt động tốt hơn theo đúng quy định của nước sở tại thì Uber lại không muốn thực hiện?

Ông Đặng Việt Dũng: Uber là công ty công nghệ với phần mềm kết nối hành khách và những đối tác vận tải để có những chuyến đi an toàn, tiện lợi với giá cả phải chăng. Uber không sở hữu phương tiện, không thuê tài xế, không thu phí vận tải. Vì vậy, chức năng của Uber là kết nối vận tải, không phải vận tải hành khách.

Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trên thế giới của Uber. Chúng tôi cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam để thay đổi ngành vận tải mang lại lợi ích cho người dân và những doanh nghiệp vận tải làm đối tác.

Những lý do trên thôi thúc Uber trình Đề án thí điểm dịch vụ kết nối vận tải lên Bộ Giao thông Vận tải. Đề án gồm hai cấu phần chính song song là thí điểm dịch vụ kết nối vận tải để lấy thực tiễn; vận dụng thực tiễn tại Việt Nam và các nước trên thế giới để xây dựng khung pháp lý phù hợp cho dịch vụ mới này.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, cả hai cấu phần này là cần thiết để các cơ quan lập pháp có được cái nhìn thực tiễn và toàn diện nhất để xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Uber được biết khung pháp lý về giao thông vận tải hiện tại chưa có hình thức kết nối vận tải, mà chỉ có dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đồng thời, đơn vị thí điểm cần pháp nhân trực tiếp cung cấp dịch vụ nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Uber nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải để chỉnh sửa hồ sơ Đề án thí điểm kết nối vận tải thành dịch vụ hỗ trợ vận tải và dự kiến thành lập công ty mới tại Việt Nam với chức năng hỗ trợ vận tải và sẽ trình lại Đề án trong thời gian sớm nhất.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản góp ý về Đề án xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải của doanh nghiệp, trong đó yêu cầu công ty này phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam. Quan điểm của Uber như thế nào?

Ông Đặng Việt Dũng: Uber vui mừng khi nhận được sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo đem lại lợi ích cho nền kinh tế xã hội quốc gia trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là phù hợp với chủ trương nâng cao hiệu quả ngành giao thông vận tải của Chính Phủ đồng thời nhất trí về sự cần thiết của Đề án thí điểm và hoàn thiện khung pháp lý cho dich vụ kết nối vận tải, tạo cơ sở pháp lý phù hợp để mô hình kinh doanh này hoạt động đúng pháp luật Việt Nam, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.


Luật Doanh Nghiệp (năm 2014) quy định quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Dịch vụ kết nối vận tải không thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hay danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đó, Uber đang trong quá trình thành lập một công ty mới tại Việt Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định pháp luật Việt Nam áp dụng cho mô hình kinh doanh này.

- GrabTaxi đã làm Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và được Chính phủ cho phép thí điểm 2 năm. Uber có tham khảo Đề án của “đối thủ” và có rút ra được những thông tin gì với Đề án lần này không?

Ông Đặng Việt Dũng: Uber là Công ty công nghệ với phần mềm kết nối hành khách và những đối tác vận tải để có những chuyến đi an toàn, tiện lợi với giá cả phải chăng. Uber không sở hữu phương tiện, không thuê tài xế, không thu phí vận tải. Vì vậy, chức năng của Uber là kết nối vận tải, không phải vận tải hành khách. Chúng tôi hiểu công nghệ của Grab cũng vậy.

Uber không biết rõ cụ thể Đề án thí điểm của Grab, nhưng nhìn vào bản chất thì cả 2 dịch vụ kết nối chứ không phải là vận hành theo kiểu Công ty vận tải. Uber không đăng ký kinh doanh dưới hình thức Công ty vận tải.

- Việc tranh luận giữa Uber và các hãng taxi truyền thống diễn ra khá lâu mà chưa có hồi kết. Mới đây Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tạm dừng hoạt động của Uber. Vậy, ông sẽ có thuyết phục các cơ quản quản lý Nhà nước và Hiệp hội Vận tải như thế nào để có thể nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ Đề án thí điểm của Công ty mình?

Ông Đặng Việt Dũng: Uber vui mừng khi thấy Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, và nhiều cơ quan Chính phủ khác ủng hộ việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải. Công nghệ kết nối Uber giúp giảm chi phí quản lý vận tải, đem lại giá cả thích hợp hơn cho người dùng, giảm ùn tắc đường phố khi không có xe chạy rỗng, giảm lãng phí xã hội và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Phản hồi của người dùng tại Việt Nam trong suốt thời gian hoạt động đánh dấu cho sự thành công của Uber khi đem lại cho người dùng những chuyến đi an toàn, tiện nghi và giá cả hợp lý.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Ý kiến bạn đọc