Tin tức
Ứng dụng chữ ký số trong doanh nghiệp
07/08/2009
 
Mặc dù còn khá mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, chữ ký số đang và sẽ có một vai trò quan trọng đối với tương lai của thương mại điện tử và Chính phủ điện tử , nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay.
 
 

Đây là khẳng định được đưa ra tại Hội thảo “Chữ ký số – chìa khóa cho doanh nghiệp bước vào thương mại điện tử  và chính phủ điện tử”, do Bộ Thông tin và Truyền thông và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp tổ chức ngày 4/8/2009 tại Tp.HCM.

Trong các giao dịch và thủ tục hành chính truyền thống, hồ sơ phải có giá trị pháp lý; muốn vậy phải có chữ ký và đóng dấu. Việc truyền, nhận hồ sơ theo phương thức thông thường là di chuyển một cách vật lý hồ sơ đó, thông qua người trực tiếp cầm đi, ký giao nhận và chịu trách nhiệm nếu thất lạc hoặc để lộ thông tin.

Lợi ích của chữ ký số

Đối với hồ sơ điện tử, việc lưu hồ sơ theo phương thức điện tử là các tập tin tài liệu nằm trên các thiết bị lưu theo phương thức điện tử. Việc truyền, nhận hồ sơ bằng phương thức điện tử phổ biến nhất là gửi qua e-mail, qua các trang web, tin nhắn SMS... Tính pháp lý của hồ sơ là các phương thức điện tử thay thế được chữ ký và con dấu, đảm bảo tính bảo mật và không thể làm giả.

Sử dụng hồ sơ điện tử khiến mọi giao dịch nhanh, bảo mật, giúp tự động hóa nhiều qui trình, cải tiến về hành chính. Nhanh giúp cho tính cạnh tranh cao, tiết kiệm thời gian, tránh được sự nhũng nhiễu của một bộ phận hành chính công và do đó, tiết kiệm chi phí tiền bạc toàn xã hội.

Trong nền kinh tế hiện đại, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin được gắn liền với quản lý nhà nước và phát triển kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng này được coi là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh, và thực hiện các thỏa thuận thương mại với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tất cả quá trình này đòi hỏi một lượng thông tin trao đổi rất lớn qua mạng, song song với yêu cầu độ an toàn và tính xác thực cao. “Chỉ có chữ ký số mới đảm bảo được sự an toàn này; và nó cũng được coi là phương tiện hữu hiệu để các doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh thông qua thương mại điện tử và tham gia vào Chính phủ điện tử”, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định: “Ngày nay, xu hướng phát triển và ứng dụng chữ ký số đang trở nên phổ biến. Điều này giúp giải quyết tốt hơn bài toán xác thực và bảo mật. chữ ký số giải quyết vấn đề toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các tổ chức, cá nhân yên tâm với các giao dịch điện tử của mình trong môi trường Internet”.

Doanh nghiệp với việc ứng dụng chữ ký số

Có thể nói, chữ ký số là một thành tố tối quan trọng của  giao dịch điện tử , nhằm đảm bảo độ an toàn thông tin trao đổi qua lại.  giao dịch điện tử  là sự truyền thông tin bằng phương tiện điện tử giữa các đối tác thực hiện hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ, dịch vụ,... với các ràng buộc pháp lý. Với hình thức này, các đối tác không phải gặp trực tiếp nhau mà vẫn có thể mua bán, trao đổi, ký hợp đồng,...

Điều quan trọng trong thương mại điện tử là tính ràng buộc pháp lý nhằm bảo đảm thông tin cho doanh nghiệp. “ Chữ ký số  chính là sự xác thực cần thiết của mỗidoanh nghiệp trong  giao dịch điện tử , giúp đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin”, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI) khẳng định.

Việc bảo đảm an toàn thông tin cho  giao dịch điện tử  gắn liền với một công nghệ gọi là chữ ký số dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Mã khóa công khai bao gồm một cặp 2 khóa có tính năng bất cứ khóa nào cũng có thể dùng để mở mã các thông tin được mã hóa bởi khóa kia; nhưng mặt khác, các khóa rất khó suy được từ nhau.

Trong 2 khóa đó, một khóa là khóa công khai được công bố rộng rãi, và một khóa là khóa bí mật được giữ kín, và chỉ có người chủ khóa được biết mà thôi. Sử dụng tổ hợp mã/giải mã của các khóa này cho phép đảm bảo các yếu tố bí mật, xác thực, nhất quán và không chối bỏ cho các  giao dịch điện tử , trong đó yếu tố xác thực được bảo đảm bởi chữ ký số.

Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, cho biết: “Hiện nay, có nhiều ứng dụng chữ ký số phù hợp cho các doanh nghiệp, điển hình là việc mã hóa bảo vệ các thông tin số của doanh nghiệp, dùng chữ số xác thực các e-mail trao đổi thông tin, kiểm soát truy cập vào các sàn giao dịch thương mại điện tử và các thông tin đặt hàng, ngân hàng điện tử, mua sắm công... Chữ ký số không chỉ được thực hiện cho các giao dịch điện tử trên Internet mà còn qua hệ thống mạng viễn thông di động”.

Vẫn theo ông Khả, khi được Nhà nước đầu tư đầy đủ, đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng chữ ký số đơn giản và thuận tiện. Để được như vậy, trước hết,doanh nghiệp cần đăng ký chứng thực số trong đó có kèm cặp khóa dùng để ký và mã hóa. Khóa bí mật có thể được lưu trong các thiết bị USB-Token, Smart-card với chi phí thấp.

“Việc đào tạo sử dụng chữ ký số khá đơn giản nếu người sử dụng đã có các kỹ năng tin học cơ bản. Nhiều phần mềm phổ thông hiện nay đã hỗ trợ chữ ký số. doanh nghiệp chỉ cần đầu tư xây dựng các phần mềm nghiệp vụ có hỗ trợ chữ ký số, nếu như có nhu cầu kinh doanh riêng của mình”, ông Khả cho biết.

(theo VnEconomy)
Ý kiến bạn đọc