Công nghiệp chế biến
Đề nghị Mỹ xây kho ngoại quan bông vải tại Việt Nam
23/04/2016

Hiện nay bông Mỹ vẫn được các doanh nghiệp sợi Việt Nam sử dụng nhiều nhất, trong khi sản xuất bông trong nước gần như không phát triển được.

Tại buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) với Hiệp hội Bông Mỹ sang thăm quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư về lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Vũ Đức Giang đã trực tiếp đề nghị các doanh nghiệp bông Mỹ lưu ý đến việc đầu tư xây dựng kho ngoại quan bông vải tại Việt Nam trong thời gian tới.

Báo Đầu tư dẫn thông tin từ Vitas cho hay, ngành sợi Việt Nam hiện nay đạt 7,8 triệu cọc sợi, nhu cầu phát triển ngành sợi của Việt Nam rất cao, kéo theo lượng bông phục vụ kéo sợi, sản xuất vải tăng nhanh chóng.

Sản xuất bông trong nước gần như không phát triển được. Hiện, ngành dệt may chỉ tự cung ứng được 2% nhu cầu sử dụng bông, 98% đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Qua thăm dò của Vitas thì bông Mỹ vẫn được các doanh nghiệp sợi Việt Nam đánh giá cao và sử dụng nhiều nhất. Đó là lý do ông Giang đề nghị Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tổng kho ngoại quan tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhanh nhất thời gian giao hàng cho các doanh nghiệp, loại bỏ việc các doanh nghiệp hủy các hợp đồng mua bông.

Vitas tính toán, nếu kho ngoại quan được đầu tư và đi vào hoạt động, sản lượng bông sẽ tăng lên 30 – 40% so với hiện nay. Kho ngoại quan nhằm dự trữ bông nhập ngoại, giảm chi phí bảo quản, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm ngoái, kho ngoại quan đóng tại Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai), chuyên cung cấp thuốc nhuộm và hóa chất trong ngành dệt may của Huntsman Textile Effects thuộc Tập đoàn Huntsman (trụ sở tại Mỹ) đã đi vào hoạt động.

Thống kê của Vitas cho thấy, tính đến hết năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Đây là số vốn cao kỷ lục từ trước tới nay.

Còn theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó dệt may là 15,2 tỷ USD. Amcham ước tính, đến 2025, xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ đạt tới con số 20 tỷ USD.

Dòng vốn từ Mỹ vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ TPP đem lại. Hàng loạt dự án khủng đã đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư ở Việt Nam.

Nguồn http://baodatviet.vn/

Ý kiến bạn đọc