Công nghiệp chế biến
Tháng 6: dệt may đứng đầu trong "câu lạc bộ tỷ đô"
19/07/2014
 Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 9,38 tỷ USD tuy đứng thứ hai sau điện thoại với 11,56 tỷ USD nhưng tính riêng trong tháng 6, dệt may lại đứng đầu với giá trị xuất khẩu đạt 1,89 tỷ USD (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước).
 
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014 xuất khẩu điện thoại lùi bước trước nhóm hàng dệt may. Đây cũng là 2 mặt hàng duy nhất luôn duy trì được giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/tháng trong nhiều tháng qua.
 
Việc kim ngạch xuất khẩu dệt may về đầu trong “câu lạc bộ” những mặt hàng “tỷ đô” của Việt Nam cho thấy, những nỗ lực để bứt phá, đặc biệt là việc đa dạng hóa thị trường của ngành này đã bước đầu thành công.
 
Từ nhiều năm nay, mặt hàng dệt may luôn đóng góp con số 15% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đứng trong top 5 trong số 153 nước xuất khẩu may trên thế giới. Tuy nhiên những vấn đề nội tại của dệt may Việt Nam như lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu, tập trung gia công may (CMT)khiến cho lao động của ngành thu nhập thấp, không tránh khỏi những biến động lớn và ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của ngành.
 
Các chuyên gia nhận xét, bên cạnh việc những nỗ lực bứt phá cho xuất khẩu dệt may với việc cải thiện vị trí trong bảng kim ngạch xuất khẩu thì điều quan trọng hơn chính là phải tạo nền móng phát triển ổn định hơn cho ngành kinh tế chủ lực này.
 
Trong việc tạo đà cho dệt may bứt phá bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong tạo điều kiện về quy hoạch, thu hút công nghệ, đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính cho dệt may thì “cách chơi” của doanh nghiệp dệt may cũng đóng vai trò quyết định. Theo đó doanh nghiệp dệt may cần có những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng dệt may truyền thống trong đó đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá. Thêm nữa doanh nghiệp cũng cần biết tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng trong nước để tạo vị thế chung cho sản phẩm “made in Vietnam”; đi đôi với việc tăng năng lực thiết kế, thương mại để chuyển từ phương thức sản xuất CMT sang các phương thức FOB, ODM, OBM để tăng lợi nhuận thì cần chủ động tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Ý kiến bạn đọc