Công nghiệp chế biến
Thị trường sữa và tình hình nhập khẩu sữa 5 tháng đầu năm 2013
17/07/2013

Quý I, giá sữa đã được điều chỉnh 3 lần liên tiếp. Không chỉ sữa ngoại mà ngay cả sữa nội cũng được áp giá mới. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng từ 7-10%, thậm chí có loại tăng 13-15%. Sang đến đầu tháng 4, thị trường sữa lại đón nhận đợt tăng giá mới của các hãng sữa ngoại với việc nhãn hiệu sữa Nestle tăng thêm từ 8-9% tùy loại. Sữa Physiolac cũng tăng giá 15%.

Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng... Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục quản lý giá, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

Thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 397,1 triệu USD cho nhập sữa và sản phẩm, giảm 11,81% so với cùng kỳ năm 2012, tính riêng tháng 5/2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 78,3 triệu USD, giảm 7,20% so với tháng 4/2013.

Niudilan, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Australia... là những thị trường chính cung cấp mặt hàng sữa và sản phẩm cho Việt Nam trong thời gian này. Dẫn đầu về kim ngạch là thị trường Niudilan, chiếm 28,8% thị phần, tương đương với kim ngạch 114,5 triệu USD, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính riêng tháng 5/2013, nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Niudilan lại giảm 29,76% so với tháng liền kề trước đó, đạt kim ngạch 23,5 triệu USD.

Đứng thứ hai sau Niudilan là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch trong tháng là 15,5 triệu USD, tăng 17,7% so với tháng 4/2013, nâng kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường này của Việt Nam lên trên 70 triệu USD, tăng 22,67% so với cùng kỳ năm 2012.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Philippin chỉ đạt 3,5 triệu USD, nhưng lại là thị trường có sự tăng trưởng mạnh, tăng 114,97% so với cùng kỳ và tăng 225,46% so với tháng 4/2013, tương đương với 1,5 triệu USD.

Theo nguồn tin từ TBKTSG, Ngành sữa Việt Nam được đánh giá là "hot" nhất khu vực khi có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Chừng 60 doanh nghiệp trong nước đang vừa phải cạnh tranh, vừa phai dè chừng các đối thủ ngoại.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường sữa Việt Nam năm 2012 có giá trị ở mức 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ đô la Mỹ. Số liệu này đo được từ khoản tiêu dùng sữa trong nhà tại 4 thành phố lớn chính là Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và khu vực nông thôn.

Sữa bột là mảng thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt khi biên độ lợi nhuận của ngành hàng này đang được đánh giá là hết sức béo bở.

Năm 2012, thị trương Việt Nam tiêu thụ khoảng 65.000 tấn sữa bột, tương đương doanh số khoảng 2.300 tỉ đổng, trong đó, khoảng 70% là sữa ngoại nhập. Các thương hiệu sữa bột từ các nhà sản xuất như Abbort, Mead Johnson, Dutch Lady, Nestlé, Dumex, XO... đang chiếm thế thượng phong với 70% thị phần, 30% còn lại từ các nhà sản xuất trong nước. Vinamilk đóng góp 30% sản lượng nhưng chỉ chiếm 18% về giá trị. Giá sữa bột trong năm năm qua đã tăng tới 30 lần và chưa biết khi nào dừng lại.

Sữa nước là cuộc chiến chủ yếu giữa các nhà sản xuất trong nước. Ngành hàng này đang chứng kiến sự gia tăng dần của phân khúc sữa tươi, đến nay đã chiếm đến 30%, 70% còn lại là sữa hoàn nguyên có nguyên liệu từ sữa bột. Cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm sữa tươi thể hiện qua các chiêu thức tiếp thị với những câu chuyện về sữa sạch, sữa tươi 100%, trong khi cuộc chiến của sữa hoàn nguyên cũng không kém phần gay cấn.

Giá nguyên liệu trong những năm qua trên đà tăng mạnh. Cuối năm 2012, giá sữa bột nguyên liệu chỉ khoảng 3.300-3.400 đô la Mỹ/tấn, nay đã lên tới 4.800 đô la Mỹ/tấn. Điều đó đang thúc đẩy các nhà sản xuất sữa đầu tư mạnh vào vùng nguyên liệu, từ xây dựng trang trại riên đến hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa. Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, nhu cầu lớn, cuộc đua nắm nguồn nguyên liệu (để làm chủ thị trường) càng quyết liệt hơn giữa các nhà sản xuất.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam còn cao khi bình quân một người Việt mới chỉ uống khoảng 20 lít sữa/năm, khá thấp so với mức trung bình trên thế giới và các quốc gia trong khu vực. Nhưng cuộc chơi trong những năm tới sẽ vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu với sự tham dự của những tay chơi mới. Bên cạnh đó, ở trong nước, ngoài Vinamilk và Nutifood, "miếng bánh" sữa bột dường như đang bị bỏ quên khi các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh nhau ở phân khúc sữa nước.

Chất lượng của sữa trong và ngoài nước đang ngày càng gần nhau nhưng giá thì vẫn còn chênh lệch lớn. Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia trên hai nhóm trẻ, một sử dụng sữa ngoại, một sử dụng sữa nội cho kết quả về các thông số phát triển chiều cao, cân nặng ngang nhau. Khi thuế suất nhập khẩu ngành sữa về mức 0% thì chênh lệch chi phí sản xuất giữa sữa ngoại và sữa nội dường như không còn. Dù vậy, giá sữa nội chỉ đang ở mức 40-50% so với sữa ngoại

Ý kiến bạn đọc