Công nghiệp chế biến
Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu hàng dệt may tháng 3 và quý 1/2016
26/04/2016
1. Tình hình sản xuất

Quý 1/2016, tình hình sản xuất các sản phẩm chính của ngành dệt may khá biến động. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất các sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ năm 2015 nhưng đến tháng 3, sản lượng quần áo mặc thường tiếp tục tăng mạnh nhưng sản lượng các loại vải giảm. Cụ thể, sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên tháng 1 tăng 9,7%, tháng 2 tăng 14% nhưng tháng 3 giảm 5,5%. Sản lượng vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tháng 1 và tháng 2 tăng lần lượt là 6,5% và 9,4% nhưng tháng 3 giảm 17,3%. Trong khi đó, sản lượng quần áo mặc thường tháng 1 tăng 9,2%, tháng 2 tăng 11,7% và tháng 3 tăng 8%.

Tính chung quý 1/2016, sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 77,6 triệu m2, tăng 4,1% so với cùng kỳ, sản lượng vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo đạt 16,7 triệu m2, giảm 6,3% và sản lượng quần áo mặc thường đạt 40 triệu cái, tăng 5,3%.

Dự báo, trong quý 2/2016, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ sôi động hơn quý 1 và sản lượng sẽ tăng khá. Đối với sản xuất sợi, từ tháng 3 đơn hàng của một số công ty lớn như Sợi Thế Kỷ đã tăng đột biến, gấp hơn 2 lần so với trung bình 2 tháng đầu năm.

2. Xuất khẩu

2.1. Dệt may

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hoạt động xuất khẩu dệt may rất sôi động. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2016 đạt 1,86 tỷ USD, tăng mạnh 51,5% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015, mức tăng cao nhất trong 1 năm qua. Tính chung quý 1/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 5,12 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2015.


Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong những tháng tới sẽ đạt tốc độ tăng cao hơn quý 1 do kinh tế các nước Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục khởi sắc và đơn hàng tăng.

Thị trường xuất khẩu:

Trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ, EU, và Hàn Quốc trong quý 1/2016 đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 6,5% của ngành. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 6,6%, đạt 2,53 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 49,3%, tăng so với mức 48,9% của cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng 7%, đạt 665,57 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13%, tăng so với mức 12,8% của quý 1/2015. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 12,4%, đạt 531,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,4%, tăng so với mức 9,7% của quý 1/2015.

Sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong tháng 3 tăng trở lại so với cùng kỳ năm 2015. Theo số liệu thống kê sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tháng 3/2016 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 234,52 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2016 đạt 639,9 triệu USD, tăng 0,6%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản trong quý 1/2016 giảm từ mức 13,1% trong quý 1/2015 còn 12,5% trong quý 1 năm nay.

2.2. Xuất khẩu xơ, sợi:

Tháng 3/2016, xuất khẩu xơ, sợi xuất khẩu tăng mạnh 63,1% về lượng và 57,9% về trị giá so với tháng trước; tăng 9,8% về lượng và 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, đạt 100,64 nghìn tấn với trị giá 249,13 triệu USD. Tính chung quý 1/2016, xuất khẩu xơ, sợi đạt 241,14 nghìn tấn với trị giá 604,5 nghìn USD, tăng 10,9% về lượng và 3,5% về trị giá.

Giá xuất khẩu xơ, sợi trong tháng 3/2016 đạt 2.476 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng trước và giảm 5,1% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1/2016, giá xuất khẩu xơ, sợi đạt trung bình 2.507 USD/tấn, giảm 6,6% so với quý 1/2015.

Xuất khẩu xơ, sợi sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia trong tháng 3/2016 tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần làm tăng tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 19,6% về lượng và 9% về trị giá; sang Hàn Quốc tăng 34,5% về lượng và 20,4% về trị giá; sang Malaysia tăng tương ứng 26,1% và 16,2%.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số thị trường xuất khẩu xơ, sợi lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này liên tục giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi quyết định điều tra bán phá giá của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với sợi dún DTY của Việt Nam. Tính chung quý 1/2016, xuất khẩu xơ, sợi của Việt Nam sang thị trường này đạt 19,64 nghìn tấn với trị giá 40,62 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và 9,4% về trị giá so với cùng kỳ. Riêng tháng 3, lượng xuất khẩu giảm 24,8% còn kim ngạch giảm 4,2% so với cùng kỳ. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong danh sách các thị trường xuất khẩu xơ, sợi lớn của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều đáng chú ý, trong khi xu hướng giá xuất khẩu xơ, sợi sang các thị trường giảm, giá xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3 tăng 27,5% so với cùng kỳ, quý 1 tăng 17,8%.

3. Nhập khẩu NPL

3.1. Nhập khẩu bông

Nhập khẩu bông của Việt Nam trong tháng 3/2016 giảm mạnh 13,7% về lượng và 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, đạt 78,29 nghìn tấn với trị giá 121,14 triệu USD. Nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp đã nhập khẩu nhiều trong 2 tháng trước đó và đơn hàng dệt may chững lại.

Tính chung quý 1/2016, nhập khẩu bông đạt 233,89 nghìn tấn với trị giá 363,55 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và 10,8% về trị giá so với quý I/2015.

Giá bông nhập khẩu trong tháng 3 tiếp tục giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái còn 1.547 USD/tấn. Tính chung quý 1/2016, giá bông nhập khẩu đạt trung bình 1.554 USD/tấn, giảm 3,1%.

Về thị trường cung cấp

Thị trường cung cấp bông cho Việt Nam có sự biến động rất mạnh. Các doanh nghiệp có xu hướng chuyển nhập khẩu từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Trung Quốc, Achentina sang các thị trường Australia và Braxin.

Trong quý 1/2016, nhập khẩu bông từ Australia đạt 14,62 nghìn tấn với trị giá 25,08 triệu USD, tăng 1.044% về lượng và 870,2% về trị giá. Riêng trong tháng 3, nhập khẩu từ thị trường này tăng 1.538% về lượng và 1.272% về trị giá. Nhập khẩu từ Australia tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu tăng nhập khẩu từ các nước TPP để đảm bảo quy tắc xuất xứ. Trong số các thị trường cung cấp chính, giá bông nhập khẩu từ Australia giảm mạnh nhất. Cụ thể, giá nhập khẩu tháng 3 đạt 1.710 USD/tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ; 3 tháng đạt 1.715 USD/tấn, giảm 15,2%.

Mỹ vẫn là thị trường cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng lượng nhập khẩu từ Mỹ đã giảm từ mức 50,1% trong quý 1/2015 còn 45,4% trong quý 1 năm nay, đạt 233,89 nghìn tấn, tăng 14,3%. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang đề nghị các doanh nghiệp bông Mỹ lưu ý đến việc đầu tư xây dựng kho ngoại quan bông vải tại Việt Nam trong thời gian tới. Nếu điều này được thực hiện, doanh nghiệp Việt sẽ chủ động được nguồn bông, giá cả sẽ ổn định hơn trong thời gian dài, đồng thời chất lượng nguyên liệu cũng được đảm bảo vì bông Mỹ có chất lượng tốt.

3.2. Nhập khẩu xơ, sợi

Nhập khẩu xơ, sợi có xu hướng chững lại so với cùng kỳ năm 2015. Tháng 3/2016, nhập khẩu nhóm hàng này giảm nhẹ 1,3% về lượng và 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung quý 1/2016, nhập khẩu xơ, sợi đạt 185,78 nghìn tấn với trị giá 332,46 triệu USD, tăng 2,2% về lượng nhưng giảm 5,2% về trị giá so với quý 1/2015. Lượng xơ, sợi nhập khẩu trong thời gian qua có tốc độ tăng thấp hơn do các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước, đặc biệt là sản phẩm xơ, sợi polyester Đình Vũ.

Giá xơ, sợi nhập khẩu trung bình tháng 3/2016 đạt 1.760 USD/tấn, giảm 7,1% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung quý I/2016, giá xơ, sợi nhập khẩu đạt trung bình 1.795 USD/tấn, giảm 7,2%. Trong số các thị trường cung cấp chính, giá nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc giảm mạnh hơn so với các thị trường khác.

Về thị trường cung cấp:

Trong số các thị trường cung cấp chính, nhập khẩu Hàn Quốc, Ấn Độ liên tục giảm. Tính chung quý 1/2016, lượng xơ, sợi nhập từ 2 thị trường này giảm lần lượt 2,6% và 17,8% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong tháng 3, lượng nhập khẩu giảm tương ứng 18,6% và 0,1%.

Lượng nhập khẩu từ Hồng Kông không nhiều nhưng có xu hướng tăng rất mạnh. Trong quý 1/2016, lượng xơ, sợi nhập từ thị trường này tăng 449,5% về lượng, đạt 1.022 tấn. Riêng trong tháng 3, lượng nhập khẩu đạt 1.007 tấn, tăng 2.089%.

3.3. Nhập khẩu vải

Khác với mặt hàng bông và xơ, sợi, kim ngạch nhập khẩu vải tăng tốc trong tháng 3/2016 với mức tăng 57,7% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung quý 1/2016, nhập khẩu vải đạt 2,1 tỷ USD, tăng 2,1%.

Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam. Quý 1/2016, nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,07 tỷ USD, tăng 6,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường truyền thống khác. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc quý 1/2015 đạt 50,7%, tăng so với mức 48,8% của cùng kỳ năm 2015.

Ngược lại, nhập khẩu từ Hồng Kông liên tục giảm sâu so với cùng kỳ năm 2015, tháng 3 giảm 20,4% còn 3 tháng giảm 29,5%. Nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Pakixtan và Philippines cũng trong xu hướng tương tự.
 
Ý kiến bạn đọc