Công nghiệp chế biến
Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam Q1/2016
23/04/2016
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong Q1/2016 đạt 38,77 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015 trong khi giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 37,4 tỷ USD, giảm 3,4%. Như vậy, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu 1,37 tỷ USD trong Q1/2016, so với mức nhập siêu 2,41 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.



Xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là điện thoại với giá trị xuất khẩu Q1/2016 đạt 8,27 tỷ USD, tăng 23,8% so với Q1/2015, dệt may (5,12 tỷ USD, tăng 5,6%) và điện tử, máy tính (3,73 tỷ USD, tăng 4,8%).


Nhập khẩu

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 của nhiều mặt hàng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Tiêu biểu, mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng – vốn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất của Việt Nam trong Q1/2015, chỉ đạt 5,97 tỷ USD giá trị nhập khẩu trong Q1/2016, giảm 15,3% so với Q1/2015.

Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu trong Q1/2016 cũng có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, hàng điện tử, máy tính, hàng sắt thép và nguyên phụ liệu dệt may, da, giày có giá trị nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng (lần lượt là 13,8%, 174% và 300%) và trở thành các mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất, cao thứ 3 và thứ 4 của Việt Nam trong Q1/2016.




Thị trường

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ vẫn là các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam. Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu Q1/2016 của Việt Nam vào Mỹ đạt 8.338 triệu USD, chiếm tỷ tọng 21,51%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc Q1/2016 đạt 10.663 triệu USD, chiếm tỷ trọng 28,51%.


Xét về giá trị xuất nhập khẩu ròng, Mỹ và EU tiếp tục là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất nhập khẩu ròng trong Q1/2016 lần lượt đạt 6.598 triệu USD và 5.375 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất nhập khẩu ròng 3 tháng đầu năm 2016 lần lượt là 6.466 triệu USD và 4.402 triệu USD.



Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2016 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 49,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65,3% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong quý 1/2016 của khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý 1/2016 là 22,49 tỷ USD, giảm 4,5% tương ứng giảm 1,06 tỷ USD. Riêng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm tới 1,44 tỷ USD.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này cũng tăng nhập khẩu ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 699 triệu USD; kim loại thường khác tăng 218 triệu USD.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 của khối các doanh nghiệp trong nước đạt 26,4 tỷ USD, giảm 2,8% và chỉ chiếm 34,7% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước quý 1/2016 là 14,92 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 512 triệu USD). Xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp này cũng suy giảm 2,2% trong quý 1/2016.

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Qúy 1/2016 so với Quý 1/2015 của các doanh nghiệp FDI
 

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc