Đây là một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2016 mà Bộ NN&PTNT vừa đưa ra trong Quyết định số 3885/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020.
Cũng theo Quyết định này, diện tích mặt nước nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL đến năm 2016 sẽ có tối đa là 5.400 ha và cho ra sản lượng từ 1,25 đến 1,3 triệu tấn cá tra nuôi. Ước tính, sản lượng này sẽ cho kim ngạch xuất khẩu vào khoảng từ 2 tỷ đến 2,3 tỷ USD.
Đến năm 2020, quy hoạch sẽ cho phép tăng diện tích mặt nước nuôi cá tra lên, cụ thể tổng diện tích nuôi cá tra tại vùng này sẽ từ 7.600-7.800 ha. Đến thời điểm này sẽ thu hoạch từ 1,8 triệu đến 1,9 triệu tấn cá tra nuôi. Thời điểm này cũng được quy hoạch để tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu từ cá tra có giá trị tăng cao, đạt từ 15-20%. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,6-3 tỷ USD.
Nhu cầu giống cá tra ở các tỉnh nuôi trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2015 đáp ứng khoảng 3 tỷ con giống, đến năm 2020 là 3,5 tỷ con giống.
Theo phê duyệt của quy hoạch này, các đơn vị sản xuất cá bột nòng cốt là Trung tâm giống thủy sản của tỉnh và trại sản xuất giống cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Ươm nuôi cá giống sẽ chia làm 3 vùng tại ĐBSL. Diện tích ương nuôi giống toàn vùng cần khoảng từ 1.700-2.500 ha.
Cũng theo quy hoạch, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của luật pháp Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2016, không nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet đông lạnh mà chỉ tập trung nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá tra. Đối với giai đoạn 2017 - 2020 cũng tương tự, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất cá tra nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhưng vẫn không đầu tư phát triển thêm các cơ sở chế biến sản phẩm cá tra fillet đông lạnh.
Diện tích năm 2014
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL năm 2014 ước đạt hơn 7.000 ha, sản lượng 890 nghìn tấn. Hầu hết các tỉnh có thế mạnh về cá tra đều có diện tích thả nuôi tăng so với năm 2013. Trong đó, diện tích nuôi ở Đồng Tháp 1.760 ha, tăng 3,7%; An Giang 1.067 ha, tăng 1,9%; Bến Tre 700 ha, tăng 2,2%. Cá biệt như tỉnh Tiền Giang, dù diện tích thả nuôi mới 177 ha nhưng đã tăng đến 47,5% so cùng kỳ.
Khuynh hướng hiện nay của nhiều doanh nghiệp là tự đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu. Điều này tuy giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng so về hiệu quả kinh tế, việc doanh nghiệp tự thả nuôi không có lợi bằng doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư vốn cho nông dân nuôi và kiểm soát chất lượng, sau đó mua lại cá tra nguyên liệu.
Đối với nông dân, họ luôn biết cách tiết kiệm chi phí nuôi để kiếm lời, còn doanh nghiệp cũng không bị nhốt số vốn quá lớn vào vùng nguyên liệu. Nếu có sự quy hoạch chung và các chính sách khuyến khích của Nhà nước, mối liên kết này sẽ càng bền vững.