Nông, lâm thủy sản
(18/09/2014) Gỡ “nút thắt” cho ngành điều
19/09/2014
 
Dù xuất khẩu điều trong 8 tháng đầu năm đã thu được nhiều kết quả khả quan với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013 nhưng theo nhận định của nhiều DN, ngành điều vẫn đang phải đối mặt với những thách thức từ chính nội tại.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), ngành điều hiện có 338 đầu mối chế biến và đã xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ xuất khẩu hạt điều thô, ngành điều đã dần chuyển qua chế biến để xuất khẩu nhân điều và tận dụng hết nguyên liệu trong nước. Nhiều nhà máy chế biến đã được mở rộng, nâng cấp thêm để tăng công suất chế biến và tiến tới nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN trong ngành, từ khi mở rộng công suất chế biến của các nhà máy đã làm cho các cùng nguyên liệu trong nước không thể mở rộng được, thậm chí diện tích còn dần sụt giảm.

Đại diện công ty TNHH Tạ Hoàng Sơn 1 cho biết, sản lượng điều trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Thêm vào đó, trong khi thị trường xuất khẩu điều rộng mở thì tiêu thụ nội địa quá ít, dẫn tới phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu. Khi thị trường nhập khẩu biến động, ngành điều sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, tình trạng người nông dân một số nơi chặt bỏ cây điều để trồng cây công nghiệp khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cũng là nguyên nhân khiến sản lượng điều sụt giảm.

Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch VINACAS:

Nhu cầu sử dụng hạt điều của thế giới tăng bình quân 3% mỗi năm, do vậy ngành điều rất có tiềm năng để mở rộng và phát triển hơn. Điều quan trọng là nhà nước, DN và nông dân phải cùng bắt tay để nâng cao giá trị cây điều, từ đó đưa ngành điều Việt Nam phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch VINACAS- cho rằng, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành điều, hiệp hội đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình “Giá trị điều Việt Nam” nhằm nâng cao nhu cầu sử dụng hạt điều. Ngoài ra, hiệp hội cũng tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều tại tỉnh Bình Phước và Đồng Nai để nâng cao giá trị hạt điều của Việt Nam.

Riêng về nguồn cung nguyên liệu, ông Giang cho hay, diện tích điều sụt giảm do nhiều nguyên nhân nên nhà nước cần có chiến lược quy hoạch cụ thể để người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng chạy theo những loại cây trồng chỉ có lợi trước mắt. VINACAS cũng đang triển khai Chương trình cải tạo vườn điều từ nay đến năm 2017 tại Bình Phước, Đồng Nai. “Khi cải tạo thành công những vườn điều già cỗi, thu hoạch kém, năng suất điều sẽ được cải thiện và tăng lên 3 tấn/ha. Nếu nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác, Việt Nam sẽ không lo thiếu nguyên liệu chế biến điều xuất khẩu” - ông Giang khẳng định.

Thùy Dương

 
Báo Công Thương
Ý kiến bạn đọc