Nông, lâm thủy sản
Mịt mờ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
12/09/2014

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của toàn ngành là 3,4% (so với cùng kỳ năm trước là 2,4%), trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng 6%. Tốc độ tăng GDP nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (năm 2013 là 2,14%). Kim ngạch XK toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%; thủy sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 28,6%; lâm sản chính thức đạt 2,93 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD.

Nhiều rủi ro

Tại buổi họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ NN&PTNT mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Hiện nay, một số  nông sản XK của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thị trường này chiếm 40% thị phần XK lúa gạo và cao su. Thanh long, bột sắn xuất sang Trung Quốc cũng chiếm tới  80 - 90% tổng lượng XK.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm sản và nghề muối: Những tháng gần đây, XK nông sản sang Trung Quốc có chậm lại. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không đòi hỏi chất lượng cao nên nông sản Việt Nam XK sang thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nửa đầu năm. Cụ thể, đối với mặt hàng nông sản XK chủ lực là gạo, thị phần XK sang Trung Quốc tương đương cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 40%. XK rau quả sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm vẫn tăng, chiếm thị phần 29,9% (năm ngoái chỉ chiếm 25%). Mặc dù kim ngạch XK nhìn chung vẫn tương đối ổn định nhưng điểm đáng lưu ý là giá nông sản XK sang Trung Quốc hầu như đều thấp hơn so với các thị trường khác.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá: Mặc dù giao thương nông sản đôi bên vẫn tăng trưởng trong nửa đầu năm 2014 nhưng từ tháng 5-2014, do những căng thẳng trên biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa hai nước gặp khó và XK có sự giảm sút. Thời gian tới, thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam chủ yếu XK sang nước này bằng đường tiểu ngạch. Hiện, phía Trung Quốc đang muốn tăng cường giám sát hoạt động thương mại tiểu ngạch về nông sản. Rất có thể tới đây, một số cửa khẩu của Trung Quốc sẽ đóng cửa một thời gian, ngừng giao thương nông sản để chấn chỉnh các quy định. Tuy nhiên, việc này Trung Quốc cũng đã từng làm nhiều lần. Quan điểm nhất quán về phía Việt Nam là bằng những hành động cụ thể sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Giải khó thị trường

Thời gian qua, để gỡ khó cho các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT cũng đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường. Thứ trưởng Tuấn đưa ra dẫn chứng: Chỉ riêng đối với mặt hàng vải, năm nay cả Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, xúc tiến vào miền Nam. Mỗi ngày, TP. HCM tiêu thụ vài chục tấn vải. Nếu phát triển thị trường tốt thì Việt Nam không lo ế vải nếu Trung Quốc đóng cửa. Bên cạnh đó, DN trong nước cũng đã đẩy mạnh XK sang các thị trường khác như vải Lục Ngạn đã tìm đường xuất sang Nhật Bản với giá cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ vẫn chủ trương sẽ tập trung giải quyết vấn đề thị trường cho hàng nông sản XK, tránh tình trạng quá tập trung, lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm nay. “Riêng đối với những mặt hàng nông sản XK sang Trung Quốc, chúng tôi đã rà soát lại về thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các nước để mở cửa thị trường. Ở trong nước, chúng tôi làm việc với các hiệp hội, các DN để làm rõ các khó khăn vướng mắc của các DN, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN kinh doanh và đẩy mạnh XK. Đối với sản xuất, chúng tôi cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất”, Bộ trưởng nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới, tình hình XK nông sản nói chung sẽ khả quan, trong đó có những mặt hàng quan trọng như lúa gạo, thủy sản, lâm sản. Tuy nhiên, có những mặt hàng sẽ tiếp tục khó khăn và phải có những biện pháp quyết liệt như đối với cao su, đối với thanh long, một số loại rau quả tươi và những mặt hàng tươi sống.

Ý kiến bạn đọc