Gạo tám thơm, gạo IR64 đặc sản Điện Biên
03/06/2015
Cách đây nửa thế kỷ, gạo ở khắp miền Nam Bắc ngày đêm vượt đèo Pha Đin bằng xe thồ,vai gánh để làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ và bao câu chuyện phi thường trên con đường tải gạo.
Gạo Điện Biên là một trong những mặt hàng bán nhiều nhất tại chợ trung tâm thành phố cho khách làm quà - Ảnh: Uyên Ly
Thật ngẫu nhiên, khi lịch sử sang trang thì ở thung lũng lọt thỏm trong bốn bề mây núi này lại như có “phép mầu” mà bất cứ giống lúa nào gieo xuống cũng trở thành hạt gạo trắng tròn, thơm dẻo, đậm đà khác thường. Và hạt gạo ấy cũng ngổn ngang bao tâm sự thời kinh tế mở.
Quà gạo
Đến bản Pom Khoang, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên có hai thứ mà không ai có thể dứt mà đi được, đó là lòng thành mến khách và mùi cơm thơm đến cồn cào gan ruột. Cô gái trẻ xới cho khách bát cơm đầy, khói thơm bay sực nức, dẻo quyện lấy cây đũa tre. Hạt cơm trắng vị đậm ngọt dài xuống họng.
Chủ nhà nói: “Gạo Mường Thanh đó!”. Thiếu nữ Thái kể rằng gạo này có thể nấu cơm lam, làm khẩu cắm (đồ như xôi với lá cẩm - một loài cây thơm, sẽ cho vị xôi ngậy, thơm, dẻo rất thú vị), khẩu háng (đồ thóc lên đem phơi khô, khi nào muốn ăn, xát vỏ đồ chín một lần nữa) rồi khẩu papa (giống như làm bánh nếp dưới xuôi)... dùng làm lễ vật đình đám, cưới hỏi.
Ở chợ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, chị hàng xáo xúc cổ tay trắng xuống thúng gạo rồi nâng cao để chảy qua kẽ ngón tay những dòng trắng muốt. Hạt gạo dài đều tăm tắp, căng bóng và thơm đến lạ. Chị nói đây là gạo IR 64 loại trắng, đều, đậm, dẻo nhất Điện Biên. Loại thứ hai có mùi thơm đặc biệt tên là bắc hương. Ăn riêng IR 64 tuy dẻo đậm nhưng chóng ngán, pha thêm nửa bắc hương thì gạo đủ tiêu chuẩn... “tiến vua”.
Tục ngữ nói: “Nhất Thanh nhì Lò”, tức là gạo ngon nhất là Mường Thanh nhì là Mường Lò (Than Uyên, Lai Châu). Khách phương xa sà vào hàng gạo ngày một đông. Ai cũng mua 5-10 cân về làm quà. Đoàn nào đi ôtô thì lấy về cả tạ. Chị bán hàng tiết lộ từ ngày Điện Biên khai trương năm du lịch đến nay chị bán tăng bốn lần doanh số. Ra đến sân bay Điện Biên mới thấy ngộ, máy kiểm tra hành lý hiện lên toàn gạo là gạo...
Ông chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên nói tất cả giống lúa gieo trồng ở đây đều hệt như nơi khác. Lúa Điện Biên được khu biệt với lúa khác là địa điểm trồng. Đó là lòng chảo 5.000ha thuộc các xã: Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Nưa, Thanh Luông, Sam Mứn, Pa Thơm, thị trấn Mường Thanh, xã Noong Bua, Thanh Minh... của huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ được bao bọc bởi những dãy núi: Pú Huất, Pú Tó Cọ, Huổi Vẻ và Pú Khau Lạnh cao chạm đỉnh trời.
Chưa có nghiên cứu khoa học nào về hạt gạo gieo trồng từ đây nhưng thật kỳ lạ là bất cứ giống lúa nào gieo ở thung lũng này cũng cho hạt gạo dẻo, thơm, trắng bóng đậm đà như vậy. Xét về kinh tế thì rất nhiều ưu việt: tỉ lệ gạo cho rất cao (70%), năng suất hơn nơi khác 70- 150% và tiết kiệm được rất nhiều chi phí gieo trồng. Đến nay trong đời sống, gạo Điện Biên đã có thương hiệu riêng mình bay đi cả nước.
Kho vàng trong núi
Quá bước chân khỏi thành phố Điên Biên Phủ chừng 1km, tôi ngỡ ngàng trước màu xanh tươi non mơn mởn của đồng lúa thì con gái. Lá xanh mỡ màng. Hương thơm ngào ngạt. Bức tranh không ngờ ẩn giữa trùng điệp núi non. Một người đàn ông quần áo gọn gàng, dựng xe máy bên bờ, xắn quần lội xuống đồng. Hóa ra đó là anh nông dân chính hiệu tên Ngấn.
Nguyễn Ngọc Ngấn, quê gốc Thái Bình, lên xã Thanh Hưng này hơn 30 năm và tìm được no đủ nơi núi non quê người cũng bằng cây lúa. Ngấn nói: “Quê mình 9-10 đời trồng lúa giỏi nhất nước nhưng không ai ngờ ở đây nhà nông lại sướng thế”. Nhà Ngấn có bốn mẫu đất ở cánh đồng Gọng Vó, Công Trường và H8. Vào vụ chiêm, Ngấn gọi máy cày làm đất.
Cứ nghỉ 5-7 ngày thì bừa một lần. Sau ba lần làm đất thì ngấp nghé vào tết. Lấy thóc giống trong bồ ra cứ đứng thẳng lưng mà vãi xuống đồng. Cộng cả lúa lẫn màu (ngô) một năm Ngấn thu 40-50 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Biền, chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết 100% hộ dân ở đây lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính. Xã có 1/4 số hộ khá giàu. Những gia đình thu nhập cao nhất là dựa vào nghề xát gạo, buôn bán vật tư nông nghiệp và đại lý thu mua lúa gạo.
Hạt gạo quý như vậy, theo ông Biền, là do dinh dưỡng, màu mỡ của rừng già, núi cao khắp nơi chảy vào thung lũng. Xúc tay xuống miếng đất cày vỡ thấy ngùn ngụt hơi nóng, tơi xốp và nhẹ bỗng lạ thường. Nước từ sông Nậm Rốm bốn mùa dào dạt về Điện Biên.
Giữa mùa xuân ở Điện Biên nhưng sáng ra mưa ướt áo. Đến trưa nắng lại chói lói và khi đêm trùm xuống núi rừng thì người ta phải đốt lửa, đắp chăn... Thiên nhiên ấy cộng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cây lúa Điện Biên ngày một thơm ngon, đẹp mắt đến lạ lùng.
Nỗi lòng gạo quý
Tôi vào nhà Ngấn đúng lúc anh thợ xát gạo thuê nổ máy ình ình chạy vào tận sân. Tiếp sau là ông Sơn, chủ đại lý thu mua gạo lớn nhất xã. Buồng nhà Ngấn còn khoảng 2 tấn thóc, hôm vợ chồng anh bán 5 tạ IR 64 với giá 2.800đ/kg và bắc thơm 3.400đ/kg. Giá này thấp hơn giá chợ 20% và không cao hơn những loại thóc khác.
Ngấn nói người Điện Biên trồng hai giống lúa ngon và thơm này vì dễ bán, dễ làm, năng suất cao nhưng giá bán tại xã thì không cao hơn lúa khác. Thậm chí khi nhiều người bán thì còn thấp hơn giá lúa thường. Ai tự mang ra chợ thì khi chợ thừa hàng, các đại lý “phạt” không mua cho.
Ông Biền nói gần 100% gạo thương phẩm của xã Thanh Hưng đều bán qua các tư thương. Hiện xã có hai đại lý lớn, mỗi ngày tiêu thụ 2-5 tấn lúa của Thanh Hưng. Họ đã về tận xã cắm chốt để “phục” lúa... Chỉ cách chợ trung tâm thành phố chưa đầy 5km đường lớn nhưng những ký gạo mà chúng tôi mua 6.000đ/kg thì ở đây Ngấn chỉ bán được trên dưới 4.000đ/kg.
UBND tỉnh Điện Biên cho biết địa phương hiện có hai doanh nghiệp quốc doanh làm công tác thu mua, song cũng chỉ tiêu thụ được phần nào sản lượng. Riêng gạo đặc sản Điện Biên cũng chỉ dừng ở tiêu thụ trong nước sau khi qua sơ chế, đánh bóng. Một nhà nghiên cứu nông nghiệp đánh giá chất lượng và hình thức của gạo Điện Biên đạt và cao hơn gạo ta đã xuất khẩu...
Ấy thế nhưng những người dân nơi đây không mấy khi nhắc đến mấy từ “gạo Điện Biên” hay “gạo Mường Thanh” vì họ chỉ hưởng lợi từ nó như bất kỳ hạt gạo hạt thóc nào bán cho đại lý thu mua. Trời và người đã kỳ công làm cho hạt gạo nơi này có một cái tên riêng. Nhưng cái tên quí báu ấy - nói theo dân kinh tế là thương hiệu - đã không được tô đậm nét trên thương trường... Gạo Điện Biên đang chờ sự có mặt của “bốn nhà”.
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• “Dấu ấn” trong xuất khẩu trái cây năm 2016 (31/12/2016)
• Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2016 đạt 7 tỷ USD (30/12/2016)
• 2016 là năm khó khăn với các nước xuất khẩu gạo (29/12/2016)
• Xuất khẩu năm 2016: nhiều điểm sáng (27/12/2016)
• Sóc Trăng thắng lớn vụ tôm 2016 (27/12/2016)
• Ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu từ 5-6 tỷ USD vào năm 2030 (27/12/2016)
• Xuất khẩu thủy sản sang liên minh Châu Âu (EU) (19/12/2016)
• Tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015 (19/12/2016)
• Xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2016 (17/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỉ USD (16/12/2016)
TIN TỨC CŨ