Nông, lâm thủy sản
Hà Nội: Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao ở Hoài Đức
07/10/2015
Từ năm 2005, huyện đã tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững định hướng phát triển tới năm 2020. Do vậy, huyện chỉ tập trung vào chỉ đạo thực hiện Đề án cây ăn quả giá trị kinh tế cao; hoa cây cảnh; rau an toàn và cơ giới hóa nông nghiệp.
 
Cây phật thủ là loại cây mang hơi hướng tâm linh, được nhân dân xã Đắc Sở phát triển mạnh với 20 ha trồng mới năm 2010, đến năm 2013 đã mở rộng lên tới 95 ha, trong đó tập trung tại các xã Đắc Sở (45 ha), xã Yên Sở (50 ha); năm 2014 đã mở rộng ra các xã Tiền Yên, An Thượng... Qua khảo sát của các hộ sản xuất cho thấy, cây phật thủ cho giá trị kinh tế rất cao, thu nhập bình quân từ 600- 900 triệu đồng/ha/năm. Hiện, 80% hộ dân ở xã Đắc Sở có thu nhập chính là từ cây phật thủ. Hàng năm người dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng phật thủ bằng cách thuê lại đất của các xã lân cận, thậm chí cả các huyện lân cận để trồng.
Ông Trần Văn Bảy ở thôn Ba Lương, xã Song Phương cho biết, trước đây vườn của ông trồng cam Canh nhưng hiệu quả thấp do bị sâu bệnh nhiều. Từ khi cán bộ khuyến nông phổ biến trồng nhãn chín muộn, ông mạnh dạn phá bỏ cam chuyển sang trồng 2.000 gốc nhãn (lấy giống từ xã Đại Thành). Hiện nhãn của nhà ông mới cho thu hoạch vụ thứ 2, mỗi cây cũng cho 7 - 8 kg quả, bán được 35 - 40 ngàn đồng/kg, lãi gấp 2 - 3 lần trồng cam.
 
Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, nhờ trồng nhãn chín muộn mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện. Hiệu quả kinh tế khi tham gia mô hình thâm canh nhãn chín muộn tăng từ 20 đến 25%. Thu nhập bình quân ước đạt 700 triệu đồng/ha. Để giúp bà con trong khâu phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Huyện hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn” trên diện tích hơn 100 ha với 57 hội viên tham gia, đồng thời đăng ký thương hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức”.
 
Ở xã Cát Quế, hầu hết các gia đình đều có vườn trồng bưởi, trong đó tập trung chủ yếu vào giống bưởi Diễn và bưởi Quế Dương. Tuy nhiên, bưởi Diễn là bưởi từ nơi khác mang về, còn bưởi Quế Dương là đặc sản của chính vùng quê này. Nhờ mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, ăn nhiều không thấy chán, cho nên người dân ưa chuộng, từ đó nhân giống ra nhiều gia đình. Thời gian thu hoạch của bưởi Quế Dương thường từ rằm tháng Tám âm lịch, sớm hơn bưởi Diễn khoảng hai đến ba tháng, cho nên người dân trồng xen kẽ để rải vụ. Hiện, xã Cát Quế đã có 15 ha bưởi Quế Dương, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 150 đến 200 tấn, sản phẩm thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến tận vườn mua buôn bấy nhiêu, không đủ cung cấp cho thị trường. Với giá bán trung bình từ 20.000 đến 25.000 đồng/quả, giống bưởi Quế Dương cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/sào, tương đương 300 đến 400 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Người dân địa phương cho rằng, bưởi Quế Dương là cây siêu lợi nhuận, bởi chỉ cần đầu tư một lần có thể cho thu hoạch từ 50 đến 70 năm.
 
Các cây ăn quả đặc sản của Hoài Đức đã được khẳng định là cây chủ lực để phát triển trong những năm tới; là cơ sở để huyện tiếp tục đề nghị thành phố hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp như: bưởi đường La- tinh, phật thủ, hoa lan Đông la,...; từ đó tạo tiền đề để sản xuất nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nguồn: http://www.favri.org.vn/ 
Ý kiến bạn đọc