Nông, lâm thủy sản
Mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long
30/10/2013

Thời gian gần đây thanh long Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu nhờ tăng diện tích và chất lượng.Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần khắc phục nhanh.

Tăng diện tích và chất lượng

Đến nay cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với khoảng 25 ngàn ha, sản lượng trên 460 ngàn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD. Thanh long Việt Nam có 2 loại, hầu hết là ruột trắng, chỉ một số ít là ruột đỏ. Các địa phương trồng thanh long nhiều nhất là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An.

Chất lượng thanh long Việt Nam đã đạt các tiêu chí và yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính, là loại trái cây Việt Nam đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu, được cấp phép vào thị trường Mỹ. Năm 2012, thanh long Bình Thuận đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp chứng chỉ bảo hộ nhãn hiệu. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng vừa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xử lý trái cây bằng hơi nước nóng cho thanh của Công ty TNHHXNK Nông sản Hồng Ân đủ điều kiện xuất sang Hàn Quốc theo đường chính ngạch. New Zealand cũng đang bắt đầu triển khai kế hoạch hỗ trợ Việt Nam phát triển trồng và xuất khẩu thanh long hướng tới mục tiêu giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới.

Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thanh long đạt 130,6 ngàn tấn, kim ngạch 78,9 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và 241,% kim ngạch so cùng kỳ.

Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hà Lan, thời gian gần đây thanh long còn xuất được sang các thị trường mới như Tây Ban Nha, Philippine, Na Uy, Ấn Độ, Qata. Với các thị trường mới kim ngạch chưa cao, nhưng bước đầu đã tạo được sự đa dạng trong cơ cấu thị trường, tiến tới giảm dần việc phụ thuộc vào một số thị trường chính.

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thanh long lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng kim ngạch 70,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long. Hoa kỳ vẫn là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu thanh long lớn của Việt Nam. Cũng do được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế nên thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu thanh long sang EU cũng đã tăng trở lại.

Khu vực Trung Đông cũng đang có nhu cầu nhập thanh long Việt Nam. Công ty TNHH E.K Prima Việt Nam, thuộc Tập đoàn Emke Group, một trong những tập đoàn lớn tại Trung Đông cho biết, đang xuất thanh long sang Trung Đông khoảng 120 tấn/tháng. Đại diện công ty cho biết, Trung Đông không khắc khe về điều kiện chiếu xạ, xử lý nhiệt trên thanh long. Công ty đang hướng dẫn các DN, HTX trong quy trình đóng gói, bao bì để xuất sang Ấn Độ. Tại các thị trường gần như Thái Lan, thanh long cũng tăng được lượng xuất khẩu do được ưa chuộng.

Khắc phục tồn tại để, gia tăng xuất khẩu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tăng được sự hiện diện của thanh long ở thị trường các nước, các địa phương có thanh long nên khắc phục những hạn chế liên quan đến sản xuất và chế biến. Hiện kiên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị thanh long xuất khẩu chưa chặt chẽ, gắn kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn yếu, các công ty xuất khẩu chưa xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, chủ yếu thu mua qua trung gian.

Khâu sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến còn chậm phát triển, việc thu hái, phân loại, đóng gói, bao bì... chủ yếu còn qua biện pháp thủ công. Sở Công Thương Long An cho rằng, nên hỗ trợ kinh phí cho các DN, HTX giới thiệu thanh long qua các kỳ hội chợ triển lãm nước ngoài như Fruit Logistic tại Hồng Kông, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật; Word Fruit and Vegettable Export tại Anh ...

Hiện nhiều nước trên thế giới đã trồng được thanh long. Như ở Mỹ thanh long được trồng 500 ha ở Hawai; ở Nhật thanh long trồng ở đảo Okinawa; Israel đã được trồng khoảng 500 ha thanh long; thời gian tới thanh long sẽ còn được trồng được ở Đài Loan và được phép xuất vào Nhật. Thái Lan cũng đã nộp đơn với Mỹ cho thanh long chiếu xạ của Thái vào thị trường Mỹ. Vì thế, nếu thanh long Việt Nam không nhanh khắc phục những vấn đề trên sẽ bị cạnh tranh mạnh và dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Ý kiến bạn đọc