Nông, lâm thủy sản
Ngành thủy sản tận dụng cơ hội tăng thị phần xuất khẩu
07/05/2016

Nhờ những tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại kinh tế, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao ngay trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Nhiều tiềm năng

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hình thành một khu vực mậu dịch tự do khi chiếm đến 40% kinh tế và 30% tỷ trọng thương mại toàn cầu và được dự báo sẽ tăng cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD/năm. Hầu hết các nước phát triển trong TPP cam kết cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa cũng như các chính sách hạn chế thương mại với một số loại hàng nông thủy sản ngay khi hiệp định có hiệu lực. Số liệu thống kê cho thấy, hiện hầu hết các nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam khi chỉ tính trong năm qua, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

"Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, những sản phẩm tôm tươi/đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ thời gian tới sẽ có thuế 0% giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn các đối thủ như: Argentina, Thái Lan, Ấn Độ... Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, cơ hội Nhật Bản bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi... sẽ góp phần giúp giảm đáng kể thuế suất của Việt Nam so với các nước trong khu vực", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.

Ngoài Hiệp định TPP, trong năm 2016 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết cũng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan và Ecuador. Hàn Quốc đã cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. "Tương tự, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đi vào thực thi, thủy sản sẽ là nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế ngay. Hầu hết các sản phẩm thủy sản đều được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực", ông Hòe cho hay.

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia các hiệp định kinh tế sẽ là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh, tạo động lực giúp doanh nghiệp trong nước gia tăng cơ hội, tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng… Ngoài ra do đa số các đối thủ với Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan... hiện vẫn chưa ký hiệp định kinh tế với các nhà nhập khẩu truyền thống của Việt Nam nên đây sẽ là lợi thế cạnh tranh về mặt thuế cho thủy sản. 

Tăng tốc

Nhờ hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế, năm 2016 dự báo ngành thủy sản sẽ khởi sắc hơn năm 2015. Theo đó, với mặt hàng tôm, tuy vẫn tiếp tục chịu áp lực của xu hướng giảm giá, cạnh tranh đã diễn ra từ năm 2015 nhưng nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… xuất khẩu tôm dự báo sẽ tăng khoảng 12%. Mặt hàng cá ngừ dự báo xuất khẩu cũng đạt 500 triệu đô la Mỹ, tăng 8%; mực và bạch tuộc đạt 470 triệu đô la Mỹ, tăng 10%... 

"Sau khi cân đối giữa các nhóm mặt hàng trong ngành thủy sản, chúng tôi dự báo tổng kim ngạch XK năm 2016 sẽ đạt khoảng 7,07 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 6% so với năm 2015. Riêng với mặt hàng cá tra, sẽ vẫn khó khăn do đang chịu ảnh hưởng nặng bởi quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 11 với mức thuế khá cao và nhu cầu yếu...", ông Hòe nói thêm.

Đón đầu cơ hội, Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex 2 đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến, xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt nhất. Hiện công ty đã mời các đơn vị từ Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm sang đánh giá vùng nuôi, con giống, thức ăn và nhà máy chế biến, kiểm soát từ khâu đầu vào đến đầu ra sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu khó tính. 

Với Công ty CP Hùng Vương, đơn vị đã tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga. Trước đó, doanh nghiệp đã chủ động thành lập liên doanh ở Nga với số vốn 30 triệu USD và sắp tới mua 51% vốn một đơn vị chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. 

Tương tự, Công ty CP Vĩnh Hoàn đã tận dụng triệt để ưu thế được miễn thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Tháng 6 năm nay doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng công suất sản xuất thêm 120 tấn nguyên liệu/ngày bằng việc đưa thêm nhà máy mới đi vào hoạt động. Còn Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng110 tỷ đồng nhờ tận dụng lợi thế khi doanh nghiệp Thái Lan mất ưu thế về thuế quan, tăng thị phần ở Canada và Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nguồn: Báo Tin Tức

Ý kiến bạn đọc