Nông, lâm thủy sản
Tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước Châu Phi
20/04/2016

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trung bình hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 130 triệu USD thủy sản sang các nước khu vực Châu Phi. Tuy con số này chưa cao song với sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng hàng thủy sản thời gian gần đây đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu thủy sản của khu vực Châu Phi ngày càng cao.

 Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển. Do đó các nước này phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài đến làm việc cũng như du lịch ngày càng đông cũng góp phần tăng cầu thủy sản. Mặt khác, cá da trơn ngày càng được ưa chuộng do được đánh giá có chứa ít cholesteron. Thu nhập của nhiều quốc gia xuất khẩu dầu lửa, khoáng sản như Nigeria, An-giê-ri, Libi… được cải thiện do giá thế giới tăng cao cũng góp phần làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng thực phẩm trong đó có thủy hải sản.

Hiện nay, xu hướng dùng hàng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn của người dân châu Phi đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận. Trong khi đó nguồn cung cá tra, ba sa, tôm sú trong nước dồi dào với mức giá ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này.

Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số nước Châu Phi từ 2011 – 2015 (Đơn vị: Triệu USD)

 

TT

Thị trường

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

1

Ai Cập

62.9

79.6

56.1

72.1

65.3

2

Algeria

12.1

9.6

8.6

10

9.5

3

Reunion

 

 

4.4

8.8

9.4

4

Libya

1.8

6.5

9

4.7

6.9

5

Ca-mơ-run

4.5

7.1

3.2

4.2

6.3

6

Ma-rốc

4.3

4.2

4.8

5.6

3.5

7

Nam Phi

2.3

3.7

2.1

3.1

2.6

8

Nigeria

4.4

11

5.7

3.1

1.6

Tổng XK thủy sản của VN sang Châu Phi

107.9

149.1

126.5

147.7

118.1


Ai Cập là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi. Nhóm hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ai Cập tập trung vào nhóm cá tra fillet (mã HS 03 &16) chiếm 61-70% tổng giá trị kim ngạch; nhóm tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03&16) từ 27-35% tổng giá trị kim ngạch. Một lượng nhỏ cá ngừ đóng hộp và nhuyễn thể. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 sang Ai Cập giảm 10,5% so với năm 2014 tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản: sự thiếu hụt ngoại tệ thanh toán của Ai Cập; sự phá giá của đồng bảng Ai Cập; đồng tiền của một số nguồn cung lớn khác (đối với mặt hàng tôm) phá giá mạnh. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu phi-lê cá basa đông lạnh và cá ngừ đông lạnh, đóng hộp sang Algeria, Ma-rốc.

Việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước Châu Phi còn hạn chế do một vài khó khăn về giao thông, thói quen ăn uống chủ yếu là ăn thịt, cạnh tranh với nguồn cung nội địa của các nước, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp nhập khẩu châu Phi tương đối thấp, đôi khi vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng internet ở một số quốc gia Tây Phi dẫn đến tâm lý lo ngại khi doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này. Bên cạnh đó, các quốc gia như Maroc, Ai Cập, An-giê-ri, Nigeria,... áp dụng mức thuế nhập khẩu cao, đòi hỏi một số giấy tờ thủ tục như xác nhận lãnh sự (Ai Cập), giấy chứng nhận của Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria (SONCAP) đối với các loại thủy sản nhập khẩu.

Để khai thác hơn nữa tiềm năng của các thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tổ chức hoặc tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sang các nước khu vực Châu Phi. Do thói quen ăn uống hàng ngày, việc chế biến thủy sản của người dân các nước Châu Phi còn hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, có thể mở roongjt hêm sang các mặt hàng chế biến, sản phẩm ăn liền bên cạnh các mặt hàng thủy sản đông lanh.

Ngoài ra, khi giao dịch với các doanh nghiệp Châu Phi, cần chú ‎ý lập hợp đồng chặt chẽ khi tiến hành giao dịch (có thể nêu rõ các tiêu chuẩn chất lượng và điều khoản xử lý tranh chấp).

Nguồn Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Ý kiến bạn đọc