Sản xuất và xuất khẩu gặp khó
Vụ đông xuân năm nay, ước tính khoảng 170 nghìn ha lúa đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Sản lượng gạo giảm khoảng 500 - 700 ngàn tấn so với dự tính ban đầu.
Năm nay, tình hình sản xuất lúa gạo bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khô hạn. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nằm ở hạ lưu sông Mê Kông. Tính đến nay, 22% diện tích đồng bằng sông Cửu Long đã bị ngập mặn, khô hạn và diện tích này được dự báo sẽ còn mở rộng. “Do ảnh hưởng của thời tiết, năm 2016, nước ta dự kiến hụt hơn 1 triệu tấn gạo. Sản lượng sụt giảm này có thể chưa đe dọa về an ninh lương thực nhưng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về gạo hàng hóa.
Đối với hoạt động xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 1,59 triệu tấn, giá trị đạt 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Lượng gạo xuất khẩu sau quý I tăng cao đến hơn 40% là do từ những hợp đồng đã được ký từ cuối năm ngoái và doanh nghiệp đang đẩy mạnh trả các đơn hàng chứ không phải đến từ đơn hàng của năm nay.
Quý I/2016, lượng gạo xuất khẩu qua tiểu ngạch cũng giảm mạnh. Trong quý I, lượng gạo xuất khẩu gạo qua cửa khẩu phụ, lối mở chỉ đạt khoảng 3.055 tấn, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do giữa năm 2015 đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở, dẫn đến sụt giảm xuất khẩu gạo.
Về giá, do khan hiếm lúa nên tình trạng đầu cơ đã diễn ra, đẩy giá lúa gạo tăng nhiều lần từ đầu năm đến nay. Tính đến thời điểm cuối tháng 3, mỗi loại gạo đã tăng khoảng 500 – 1.000 đồng/kg tùy loại so với đầu năm. Giá gạo như vậy lợi cho nông dân nhưng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước nhưng chưa kịp giao hàng.
Chủ động nguồn nguyên liệu
Để gỡ khó cho xuất khẩu gạo, trước đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện đơn hàng xuất khẩu gạo thường vay đô la Mỹ và bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng sử dụng trong nước cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhằm hưởng lãi suất thấp từ vay ngoại tệ. Tuy nhiên, từ ngày 1/4, việc này đã chấm dứt theo quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN. Vì vậy, phí lãi vay của doanh nghiệp chắc chắn tăng.
Ngay trong quý I , có thể tình hình xuất khẩu gạo chưa gặp khó khăn nhưng những tháng tiếp theo, việc xuất khẩu chắc chắn gặp khó. Do đó, VFA đề nghị gia hạn thông tư này để giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Song song với việc kiến nghị hỗ trợ, để đối phó với những biến động khó lường của thời tiết và giá cả, theo VFA, các doanh nghiệp nên chủ động nguồn nguyên liệu, ký trước hợp đồng bao tiêu với nông dân để tránh tình trạng giá lúa gạo tăng không kiểm soát.