Nông, lâm thủy sản
Tôm tăng giá kỷ lục: Người mừng, kẻ lo
28/03/2016

 Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục so với nhiều năm gần đây khiến người nuôi phấn khởi.

Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại lo ngại thiếu nguồn cung để sản xuất, do diện tích thả nuôi giảm đáng kể trước tác động bất lợi của thời tiết.

Giá tăng, người nuôi trúng đậm

Vào những ngày cuối tháng 3, đi dọc theo những cánh đồng tôm bạt ngàn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chúng tôi bắt gặp bầu không khí vui mừng của hàng ngàn hộ nuôi tôm. “Mấy năm qua giá tôm rẻ bèo, nhà nông chúng tôi sản xuất không có lãi. Nhưng năm nay thì khác, tôm nguyên liệu tăng giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà nào còn giữ được diện tích canh tác sẽ gỡ được vốn thua lỗ mấy năm qua, và có lời cao” – ông Nguyễn Văn Lượm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, phấn khởi.

Gia đình ông Lượm có hơn 2ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến. Ở vụ nuôi năm trước, nông dân này cũng đào ao nuôi tôm công nghiệp theo phong trào. Tuy nhiên thời tiết bất lợi khiến tôm nuôi chết hàng loạt, cộng với giá tôm xuống thấp khiến ông lỗ vốn gần cả trăm triệu đồng. “Sau Tết Nguyên đán, tôi cải tạo lại hai ao nuôi, vừa rồi thu hoạch đúng ngay dịp giá tôm tăng cao, sau khi trừ đi chi phí tôi còn lãi gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể khoản thu từ 2ha đất nuôi quảng canh” – ông Lượm hồ hởi nói.

" Nhận định về thị trường ngành tôm, ông Lê Văn Quang – Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng: “Vài năm trở lại đây ngành tôm của Việt Nam bất ổn, trong khi giá thành sản xuất cao, mà tính cạnh tranh lại thấp. Con tôm Việt Nam không có chất lượng tốt nên khi cạnh tranh ở các thị trường như Mỹ, EU gặp nhiều khó khăn”.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Bá ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết: Tôm sú loại 20 con/kg hiện tại có giá 290.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá từ 220.000 – 240.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 110.000 đồng/kg. “Bình quân tôm nguyên liệu tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá tôm như hiện nay, nông dân thu lãi lớn khi thu hoạch” – ông Bá cho biết.

Ông Nguyễn Trúc Giang – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Nước chia sẻ niềm vui với bà con nông dân: “Bây giờ vào các vùng nuôi tôm, thấy người dân phấn khởi mình cũng vui cho họ. Tuy nhiên, thời tiết đang nắng hạn gay gắt, nên ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo đối với những hộ không đủ điều kiện thả nuôi thì nên chậm lại, đợi đến mùa mưa”.

Cung không đủ cầu

Theo ông Giang, mặc dù giá tôm tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, song diện tích nuôi trên địa bàn lại giảm. Huyện có hơn 30.000ha nuôi tôm (tôm công nghiệp chiếm 2.200ha). Từ đầu năm đến nay nông dân mới xuống giống thả nuôi chỉ được 750ha. Độ mặn tăng cao (từ 35 - 38%o), nguồn nước phục vụ sản xuất cạn kiệt, con tôm không thể phát triển được, nên bà con nông dân còn e ngại không dám xuống giống thả nuôi.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng tôm 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 14.600 tấn, (bằng 88,5% so với cùng kỳ). Trong khi đó diện tích thả nuôi thấp hơn so với các năm trước, như: Tôm quảng canh cải tiến trên 79.000ha (chỉ bằng khoảng 80%); tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000ha, nhưng hiện chỉ mới thả nuôi được 4.100ha…

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - bà Phan Thị Thu Oanh thông tin: Diện tích nuôi tôm của tỉnh hơn 124.000ha (tôm công nghiệp chiếm 3.109ha). Cả diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi công nghiệp đều không đạt kế hoạch (chỉ đạt trên dưới 16%)”.

Ông Ngô Thanh Lĩnh - Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết: “Không chỉ riêng gì năm nay các doanh nghiệp mới lo chuyện thiếu tôm nguyên liệu để sản xuất. Ở các năm trước, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ vào khoảng tháng 7 trở đi”.

Ở gốc độ doanh nghiệp, ông Lê Triệu Vĩnh – Phó Giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản Phú Cường nhận định: “Tình hình hạn hán gay gắt năm nay đang là nguyên nhân khiến nguồn tôm liệu thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng giảm khoảng 30% so với các năm trước. Hiện công ty không bị ảnh hưởng nhiều do thu gọn sản xuất, nhưng các công ty xuất khẩu lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều”.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) nói: Doanh nghiệp đang bị hụt nguồn tôm nguyên liệu khoảng 30% so với cùng kỳ. Theo ông Trung, ở các năm trước vào thời gian này nguồn tôm nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng đủ cho việc sản xuất của doanh nghiệp, riêng 3 tháng đầu năm nay thì nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt, do nông dân ngại sản xuất./.

Ý kiến bạn đọc