Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu hạt tiêu 2 tháng đầu năm 2016
26/02/2016

 Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 2/2016 đạt 10.304 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 87,59 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 2% về giá trị so với tháng 1 nhưng lại giảm 8,7% về lượng và giảm 12,2% về giá trị so với tháng 2/2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 2/2016 đạt 8.500 USD/tấn, giảm 6,79 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 1/2016. 

Tính chung cả 2 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 20.012 tấn hạt tiêu, trị giá 177,68 triệu USD (giảm 8,7% về lượng và giảm 14,34% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015).

 
Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm nay sụt giảm 2,64% kim ngạch, đạt 53,37 triệu USD, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước; xuất khẩu sang Ấn Độ – thị trường lớn thứ 2 cũng giảm 13,77%, đạt 13,72 triệu USD, chiếm 7,72%; xuất sang U.A.E giảm 5,33%, đạt 9,4 triệu USD; xuất sang Hà Lan giảm 29,86%, đạt 7,57 triệu USD.

Xuất khẩu hạt tiêu 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh ở một số thị trường như: Pakistan tăng 299,76%, Ai Cập tăng 64,65%, Nga tăng 304%. Ngược lại, xuất khẩu sụt giảm mạnh ở các thị trường như: Singapore giảm 96,77%, Cô Oét giảm 45,82%, Ba Lan giảm 37,59%.

Tại thị trường trong nước, nông dân Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2015-2016. Năm nay, năng suất, sản lượng tiêu giảm, nhưng điều đáng lo ngại hơn là giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh. Năm nay năng suất tiêu giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ trước. Điều đáng nói là những năm trước, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức cao, có thời điểm đạt hơn 220.000 đồng/kg. Còn thời gian gần đây, giá tiêu trong nước liên tục giảm mạnh. Giá tiêu xô ngày 10/3 ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông chỉ còn 138.000 đồng/kg, tại tỉnh Gia Lai chỉ còn 137.000 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá tiêu năm nay giảm từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.

Theo dự báo, do nguồn cung dồi dào nên trong thời gian tới giá tiêu sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân là thời gian gần đây giá tiêu trên thế giới giảm trước sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời cây hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch nên nguồn cung tăng cao

Cung sẽ vượt cầu, diện tích hồ tiêu vẫn đang tăng nhanh, chỉ trong 3 năm gần đây toàn vùng Tây Nguyên đã tăng 20.000 ha. Tại tỉnh Đăk Lăk, theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh chỉ phát triển đến 16.000 ha tiêu, nhưng đến nay đã lên 21.000 ha. Gia Lai có trên 13.100 ha hồ tiêu. Trong khi đó theo quy hoạch, đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh này đạt 6.000 ha. Riêng tỉnh Đăk Nông, tính đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu đã lên tới con số 17.188 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 là 12.951 ha.

Theo kết quả khảo sát niên vụ năm 2015-2016 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tây Nguyên bị tác động bởi thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới của mùa khô khắc nghiệt và sâu bệnh làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất. Hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt nguy cơ mất thị trường, một số đối tác nước ngoài từ chối nhập khẩu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Do vậy cần phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt hơn, với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu là cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất.

Ý kiến bạn đọc