Nông, lâm thủy sản
Cơ hội và thách thức của thủy sản Việt Nam khi hội nhập
08/02/2016

 Năm 2014 xuất khẩu thủy sản đã tăng mạnh 16,5% nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản tăng vọt, nguồn nguyên liệu giảm, giá thủy sản nhập khẩu tăng. Năm 2015, xu hướng xuất khẩu đảo ngược khi các yếu tố cung cầu không còn thuận lợi như 2014. Nguồn cung tôm của các nước Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hồi phục, giá nhập khẩu trung bình giảm, áp lực cạnh tranh và đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác khiến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường giảm. Và mục tiêu 8 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2015 đã không thể đạt được. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 chỉ đạt gần 6,6 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014.

Các yếu tố bất lợi của năm 2015 có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, ít nhất là trong nửa đầu năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được mở rộng cửa hơn nhờ việc Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Cơ hội cho ngành thủy sản

Trên góc độ hội nhập và cạnh tranh, việc tham gia các FTA sẽ thúc đẩy sự “thay đổi” của ngành hàng, doanh nghiệp và cả công tác quản lý nhà nước. Sự thay đổi về chất bao gồm từ chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ, giá thành và “hình ảnh” nhằm tận dụng tốt các lợi thế và đáp ứng/vượt qua các thách thức mà bản chất các FTA đưa ra để cam kết & tuân thủ.

Đánh giá thực tế và khách quan, các FTA và TPP sẽ tạo ra cơ hội không nhỏ cho thủy sản Việt Nam. Từ 2016, việc tham gia cộng đồng ASEAN cũng như một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực sẽ có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Ngoại trừ surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua là mấy mặt hàng hoặc phải có hạn ngạch (trong EVFTA), hoặc lộ trình giảm thuế dài 7-10 năm, còn lại hầu hết các mặt hàng đều sẽ có mức thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc chỉ lộ trình ngắn 3-5 năm.

 

 
 

(1) Cơ hội về thuế xuất nhập khẩu từ TPP và các FTA với EU, Hàn Quốc & liên minh Á-Âu

Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tới 64,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Vì thế, sự tham gia của 4 đối tác kinh tế quan trọng trên vào các hiệp định thương mại sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm hơn 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa. Đó sẽ là tín hiệu tốt cho các  doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản.

Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết giúp nâng khả năng cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan và Ecuador (đang phải chịu thuế 20%). Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. Hạn ngạch này có hiệu lực vào đầu năm 2016. Trong khi, cả ASEAN cũng chỉ có chung hạn ngạch 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN. Cùng với 68 dòng sản phẩm thủy sản (chủ yếu là sản phẩm nguyên liệu chương 03), riêng mặt hàng tôm được cắt giảmthuế 7 dòng bao gồm cả tôm nguyên liệu chương 03 và tôm chế biến chương 16. Mặt hàng cá ngừ và thủy sản khác quy trình cắt giảm theo lộ trình 3-10 năm. Mặt hàng cá tra và mực bạch tuộc hầu như về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) -Hiệp định VCUFTA - đi vào thực thi, thủy sản là nhóm hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức từ khi Hiệp định có hiệu lực. Hầu hết các sản phẩm thủy sản đều được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Việc khai thông hàng rào thuế quan và mở cửa thị trường Nga hơn sẽ là một yếu tố quan trọng đối với thủy sản Việt Nam vì Nga là đối tác truyền thống đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Trong khi Nga đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây và một số nước khác, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản để bù đắp thiếu hụt tại thị trường này.

Với 11 nước thành viên tham gia TPP cùng Việt Nam là: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Năm 2015, ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang 11 thị trường này đạt gần khoảng 3 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Với Nhật Bản trong TPP, tất cả các SP tôm tươi/đông lạnh (HS03) sẽ có thuế 0% (trước: 1-10%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực; tôm chế biến (HS16) bị loại trừ khỏi danh mục giảm thuế trong VJEPA. Lợi thế hơn Agentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản. Lợi thế cộng gộp TPP (12 nước) hơn các nước Thái Lan, Philipines và Indonesia dù 3 nước này đã có cả FTA song phương và đa phương ASEAN với Nhật Bản. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ 2 (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP bởi trong nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Theo đúng lộ trình của TPP, Nhật Bản sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ và cá hồi và mở cửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này.

Với Hoa kỳ trong TPP, các SP tôm tươi/đông lạnh (HS03) đã có thuế MFN 0%, SP tôm chế biến (HS16) có lộ trình 5 năm đưa thuế về 0%. Tuy nhiên, với TPP khi có hiệu lực thì tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với 6 nước cạnh tranh chính là Agentina, Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA với Hoa kỳ.

Việc ký các hiệp định FTA và TPP sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường. Với năng lực hàng đầu thế giới hiện nay về công nghệ chế biến thủy sản của Việt Nam,  doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để gia công, chế biến xuất khẩu sang EU và các nước tham gia TPP. Trung Quốc hiện đang đứng đầu về gia công thủy sản cho nhiều thị trường, nhưng hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác có điều kiện sản xuất và lao động thuận lợi hơn. Vì vậy, đây cũng đồng thời là cơ hội dịch chuyển các nguồn nguyên liệu tốt và khách hàng tốt để các nhà kinh doanh và nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, Nhật Bản, EU lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang ngày càng thiếu hụt, thuế nhập khẩu giảm cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệpnhập khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam khi nhập khẩu từ các nước có năng lực khai thác tốt như Đài Loan, Nhật Bản, Mexico, Peru…

 

 
 

(2) Có lợi thế cạnh tranh hơn

Tham gia TPP và các FTA cũng là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn như vận tải, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu vật tư, trang thiết bị; là cơ hội tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng…

Đa số các nước đối thủ với Việt Nam đều chưa ký FTA với các nước đối tác trên nên đây sẽ là lợi thế cạnh tranh về mặt thuế nhập khẩu cho thủy sản Việt Nam. VD: với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh trong ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) và Trung Quốc. Đối với Liên minh Kinh tế Á – Âu: Việt Nam là nước đầu tiên ký FTA nên có cơ hội cạnh tranh hơn các nước đối thủ.

Đối với thị trường Mỹ: Việt Nam đều có lợi thế cạnh tranh hơn khi Hiệp định TPP có hiệu lực vì các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Philippine, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định.

Đối với thị trường EU: các nước đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippine đều chưa ký FTA song phương mà chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP. Việt Nam cũng như một số nước đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines, Indonesia rất dễ đạt ngưỡng trưởng thành của GSP trong thời gian tới. Do vậy, khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực Việt Nam sẽ có lợi thế so với hầu hết các nước SX xuất khẩu cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các FTA và TPP, tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề. Để bước ra sân chơi lớn, để nắm được các cơ hội, các doanh nghiệp thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, đồng thời sức cạnh tranh phải cao so với các nước cạnh tranh khác.

Thách thức với thương mại thủy sản khi hội nhập

Việc tham gia các hiệp định TPP và FTA mang lại cơ hội về thuế xuất nhập khẩu nhưng cũng tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến các vấn đề như quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, sự gia tăng cạnh tranh và vấn đề lao động…

(1) Nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao: Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều hơn về thuế quan sau khi ký các hiệp định FTA và TPP nếu chúng ta có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt. Vì hầu hết các dòng sản phẩm nguyên liệu (chương 03) được đưa về 0% ngay khi các hiệp định có hiệu lực, trong khi các dòng sản phẩm GTGT (chương 16) đều phải có lộ trình. Thực tế, nguồn nguyên liệu hiện nay không ổn định do đầu vào sản xuất nguyên liệu như: thức ăn, con giống, hóa chất, kháng sinh đều phụ thuộc phần lớn vào các nguồn cung nước ngoài, các cơ quan quản lý chưa hoặc không kiểm soát được, dẫn đến dịch bệnh, chất lượng kém. Chi phí sản xuất cao hơn so với các nước khác khiến cho giá thành sản phẩm và giá xuất khẩu cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.

(2) Quy tắc xuất xứ: Về cơ bản, chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một FTA mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa năm bắt hoặc tận dụng được tốt các ưu đãi của FTA vì tính phức tạp và số lượng lớn quy tắc khiến các doanh nghiệp ngần ngại. Do vậy, thực tế đến nay, với nhiều lý do các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTA. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn về thuế quan nếu được truyền thông và hướng dẫn nhiều hơn, sát sao hơn về áp dụng quy tắc xuất xứ trong hàng xuất khẩu.

(3) Rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại: Với việc tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế nhập khẩu. Những rào cản như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt (vd: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ…đang và sẽ được tăng cường áp dụng).

Bên cạnh những cơ hội và tích cực trong vấn đề thuế hoặc cộng gộp, các biện pháp SPS – TBT trong TPP/FTAs đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành thủy sản. Những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam; Chẳng hạn, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy – hải sản; còn về môi trường, có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của ngành khai thác.

Do vậy, việc theo dõi và cung cấp thông tin, biến động trên thị trường là rất cần thiết, đồng thời cần có biện pháp xử lý nhanh trước những động thái tạo rào cản thương mại và kỹ thuật tại các thị trường.

(4) Chịu cạnh tranh mạnh mẽ: Tham gia vào các hiệp định thương mại đồng nghĩa với việc mở cửa và hội nhập hơn nữa vào tất cả các thị trường. Mặc dù, Chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nhằm tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng việc tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính cần thời gian. Đây cũng chính là những rào cản không nhỏ đang giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệpxuất khẩu thủy sản tại các thị trường nhập khẩu lớn. Hiện nay, với những ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên liệu, một số nước đối thủ cạnh canh như: Trung Quốc hay Thái Lan hay các nguồn cung lớn khác như: Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… đang khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh để có được thị phần tốt hơn.

(5) Thách thức về vấn đề lao động: Thủy sản là ngành cần lực lượng lao động lớn. Trong khi, thực trạng lao động trong ngành không ổn định. Các ràng buộc và quy định chặt chẽ về lao động từ FTA sẽ tăng thêm thách thức cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

(6)  Kiểm soát bảo tồn nguồn lợi – IUU (EU & Mỹ);

(7) Quy định về thủ tục hành chính (cấp phép xuất khẩu lần đầu tại Trung Quốc; quy trình đánh giá công nhận doanh nghiệpxuất khẩu của LB Nga ..v.v.)

(8) Truyền thông bôi nhọ tại các thị trường tiêu thụ thủy sản (đã xảy ra ở: Úc, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Ai Cập ..vv.v.)

(Trích Bài tham luận của VASEP tại Hội nghị Hội nghị Tham tán Thương mại 2016)

Ý kiến bạn đọc