Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu thủy sản năm 2015 và triển vọng năm 2016
20/01/2016
Năm 2015 là năm khó khăn đối với xuất khẩu nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Các yếu tố cung cầu không còn thuận lợi. Nguồn cung tôm của các nước Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hồi phục, giá nhập khẩu trung bình giảm, áp lực cạnh tranh và đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, khiến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường giảm.

Mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8 tỷ USD năm 2015 đã không đạt được. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16,12% so với năm 2014. Mặc dù vậy nhưng năm 2016, ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 7,6 tỷ USD.

Trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm kim ngạch so với năm 2014; đáng chú ý là xuất khẩu sang tất cả các thị trường lớn đều sụt giảm kim ngạch như: xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 23,45%, chỉ đạt 1,31 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 13,4%, đạt 1,04 tỷ USD; sang Hàn Quốc giảm 12,27%, đạt 0,57 triệu USD, Trung Quốc giảm 3,45%, đạt 0,45 triệu USD.
Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản sụt giảm là do thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng sâu nhất là mặt hàng tôm. Xuất khẩu tôm liên tục giảm 25-30% trong năm 2015. Trừ mặt hàng cá biển (tăng 5%), xuất khẩu tất cả các sản phẩm chính khác đều giảm từ 3-25%. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm (3-27%) so với cùng kỳ năm ngoái, trừ ASEAN (tăng 8%).

Các yếu tố bất lợi của năm 2015 có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, ít nhất là trong nửa đầu năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2016, xuất khẩu thủy sản sẽ được mở rộng cửa hơn nhờ việc Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ năm 2016, việc tham gia cộng đồng ASEAN cũng như một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực, điều này tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Ngoại trừ surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua là những mặt hàng hoặc phải có hạn ngạch (trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU - EVFTA), hoặc lộ trình giảm thuế dài từ 7-10 năm, còn lại hầu hết các mặt hàng đều sẽ có mức thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc có lộ trình ngắn chỉ 3-5 năm.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc được ký kết sẽ giúp nâng khả năng cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan và Ecuador (đang phải chịu thuế 20%). Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. Hạn ngạch này có hiệu lực vào đầu năm 2016, trong khi cả ASEAN cũng chỉ có chung hạn ngạch 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước.

Riêng mặt hàng tôm được cắt giảm 7 dòng thuế bao gồm cả tôm nguyên liệu và tôm chế biến. Mặt hàng cá ngừ và thủy sản khác quy trình cắt giảm theo lộ trình 3-10 năm. Mặt hàng cá tra và mực, bạch tuộc hầu như về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) (VCUFTA) đi vào thực thi, thủy sản sẽ là nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức. Hầu hết các sản phẩm thủy sản đều được bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Nga hiện là đối tác truyền thống đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Trong khi Nga đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây và một số nước khác, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản để bù đắp thiếu hụt tại thị trường này.

11 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, New Zealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Năm 2015, ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang 11 thị trường này đạt gần khoảng 3 tỉ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc