Nông, lâm thủy sản
Quý II/2016: Xuất khẩu tôm tăng 2,3%
07/08/2016

Tuy nhiên, do cả 2 quý đều tăng trưởng dương nên xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1,4 tỷ USD; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Xuất khẩu tôm tăng những tháng đầu năm nay là nhờ nhu cầu từ các thị trường chính hồi phục, tồn kho giảm, tỷ giá tiền tệ ổn định hơn và giá tôm thế giới và giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng.

Năm 2016, ảnh hưởng của El Nino vẫn tiếp diễn gây nắng nóng và hạn hán ở nhiều nơi. Sản lượng tôm nuôi trên thế giới vì thế sẽ ở mức hạn chế. Do vậy, giá tôm thế giới có xu hướng tăng khoảng 10-15% sau khi giảm mạnh năm 2015.

Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng gần 59% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 32,9% và tôm biển với 8,4%. Tỷ trọng tôm chân trắng và tôm sú đều tăng 0,2% trong khi tỷ trọng tôm biển giảm 0,4%.

Xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng tăng 5,2% đạt gần 794 triệu USD; xuất khẩu các sản phẩm tôm sú tăng 5,3% đạt 444,5 triệu USD trong khi xuất khẩu các sản phẩm tôm biển khác giảm 0,5% đạt trên 113 triệu USD.

Tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất với 431,6 triệu USD; tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số các sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm sú chế biến khác (mã HS 16) tăng trưởng mạnh nhất 24%. Ngược lại, tôm loại khác chế biến đóng hộp (mã HS 16) giảm mạnh nhất 55,9% tuy nhiên giá trị xuất khẩu mặt hàng này không nhiều chỉ với 1,7 triệu USD.

Trong QII/2016, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 75 thị trường; giảm so với 81 thị trường của cùng kỳ năm 2015.

Top 10 thị trường nhập khẩu chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ; chiếm 95% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Trong top 5 thị trường lớn nhất duy nhất xuất khẩu Nhật Bản giảm 8,8%; xuất khẩu sang các thị trường khác đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 41,8%; tiếp đó sang Mỹ tăng 13,8%, EU tăng 6,5% và Hàn Quốc tăng 6%. Xuất khẩu sang các thị trường có doanh số thấp hơn đều giảm: Canada (-21,8%), Australia (-9%), ASEAN (-1,5%), Đài Loan (-29,4%), Thụy Sỹ (-18,9%)…

Sau khi giảm mạnh trong năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ những tháng đầu năm nay khá suôn sẻ. Tiếp nối đà tăng trưởng của QI/2016, xuất khẩu trong QII/2016 tăng 0,4% đạt 147 triệu USD. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 299 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngày 18 tháng 7 năm 2016, tại Washington, Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký Thoả thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là vụ DS404 và DS429 (Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm tôm của Việt Nam). Đây là 1 tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đang được DOC xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG khi xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Theo cơ quan xếp hạng ICRA, DOC đã tăng mức thuế trung bình đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ lên 4,98% từ mức trước đó là 2,96%. Thuế CBPG tăng có thể làm tăng giá tôm Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ và giảm sức cạnh tranh về giá của tôm nước này. Thái Lan đang bị giảm uy tín trên thị trường thế giới, sản lượng tôm Ecuador giảm do động đất, dịch bệnh. Đây sẽ là những yếu tố ủng hộ cho tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ. Với những lợi thế trên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ nữa cuối năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Sau khi tăng nhẹ trong QI/2016, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong QII/2016 tiếp tục tăng 9,3% đạt 150,6 triệu USD. Xuất khẩu sang thị trường này nửa đầu năm nay đạt 262,3 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu sang cả 3 thị trường chính (Đức, Anh, Hà Lan) thuộc khối đều tăng trưởng dương trong đó xuất khẩu sang Hà Lan tăng trưởng mạnh nhất 26,3%.

Dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ vẫn thiếu hụt trong nửa cuối năm do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do vậy, xuất khẩu tôm cả năm dự báo chỉ đạt khoảng 3 tỷ; tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản

Tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Vietfish 2016 khai mạc ngày 3-8 tại TP.HCM, trên 200 doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài nước đã trao đổi nhiều thông tin, cơ hội giao thương về xuất khẩu sản phẩm.

Mang thông điệp "Asia’s Home of Seafood - ngôi nhà của thủy sản Á châu", Vietfish 2016 được các doanh nghiệp đánh giá là sự kiện chuyên nghiệp quy tụ gần 200 DN lớn trong và ngoài nước đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Iceland, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch & Myanmar … với hơn 350 gian hàng. 

Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm VietFish 2016, hàng loạt hội thảo về ngành thủy sản Việt Nam và thế giới sẽ được tổ chức với nhiều chủ đề liên quan về chứng nhận thủy sản, ứng dụng công nghệ kiểm soát vi sinh và đông lạnh từ các chuyên gia… Do đó, đến với Vietfish, doanh nghiệp không chỉ tìm được đối tác tiềm năng mà còn được cập nhật được thông tin và xu hướng mới từ thị trường, công nghệ,… giúp việc kinh doanh phát triển đúng hướng.

Theo ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch Hiệp hội chất biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thủy sản Việt Nam từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ vỏn vẹn hơn 300 triệu USD với một nền công nghiệp chế biến hoàn toàn sơ khai của vài nhà máy thủy sản quốc doanh vào những năm đầu thập niên 90. Vậy mà chỉ 20 năm sau, con số này đã tăng gấp 26 lần, đạt ngưỡng 8 tỷ USD vào năm 2014 với trên 600 nhà máy chế biến thủy sản hiện đại bậc nhất thế giới. Như vậy, trung bình ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng trên 30%/ năm. Đây được đánh giá là một sự phát triển thần kỳ mà khó có ngành công nghiệp nào đạt được. 

Không chỉ là nhà cung cấp cá tra/ basa và tôm lớn nhất nhì thế giới, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ mình là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà kinh doanh Thủy sản thế giới khi đáp ứng được hầu hết nhu cầu của thị trường: từ mực/ bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá biển cho đến các sản phẩm phối chế có giá trị gia tăng cao phục vụ cho thị trường cao cấp. Điều này giúp các nhà nhập khẩu tiết kiệm được rất nhiều thời gian & chi phí mua hàng.

Nguồn: Người Đồng Hành

Ý kiến bạn đọc