Rau củ Trung Quốc ngập chợ, siêu thị
07/10/2015
Khảo sát của VnExpress tại các chợ TP HCM cho thấy, hành tây, hành củ, tỏi, súp lơ Trung Quốc bán tràn lan dù nhiều mặt hàng có giá cao hơn hàng Việt Nam. Tại chợ Văn Thánh, Thị Nghè (Bình Thạnh), hành tây Trung Quốc có giá 10.000 đồng một kg, còn Việt Nam là 8.000-10.000 đồng. Súp lơ xanh Trung Quốc 40.000 đồng một kg, đắt hơn hàng Việt 5.000 đồng. Hành tím Việt Nam đang rớt giá chỉ còn 15.000 đồng một kg, trong khi hành Trung Quốc 25.000 đồng một kg và tỏi 30.000 đồng.
Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết thường lấy hành tây, súp lơ, tỏi của Trung Quốc nhiều hơn hàng trong nước, do giá cả ổn định, ít lên xuống hơn. “Hành Đà Lạt chỉ có theo mùa (tháng 3-4 đầu năm) giá lúc thì cao chót vót, khi rẻ như cho. Năm nào nông dân trồng ít thì thiếu hàng, năm nào trồng ồ ạt lại tồn đọng nên giá cả không ổn định. Trong khi đó, hàng lấy về nếu không bán hết rất dễ bị hỏng”, chị Hoa giải thích.
Chị biết thêm, súp lơ trắng và xanh ở chợ đa phần là hàng Trung Quốc vì hình dáng đẹp. Ngược lại, súp lơ xanh Việt Nam cọng dài, nhỏ lại dễ dập, khó giữ lâu.
Bà Lan, tiểu thương chợ Bà Chiểu, cho biết hành tây Việt củ nhỏ, thiếu đồng đều, hay bị ướt nên khi vận chuyển dễ bị dập nát. Trong khi đó hàng Trung Quốc củ to tròn, mẫu mã đẹp lại được sấy khô nên để được lâu. Còn đối với tỏi, tép tỏi miền bắc nhỏ, khó bóc giá lại cao chót vót, trong khi đó, tỏi Trung Quốc giá chỉ bằng một phần ba, củ to tròn.
Anh Hòa, thương lái chuyên buôn hành tỏi ở chợ đầu mối Thủ Đức cho hay "đánh hàng" Trung Quốc lời hơn không chỉ vì giá và lượng hàng ổn định, mà khách mua chủ yếu là nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp với số lượng lớn. Trong khi lượng giao đối với tỏi, hành tây Trung Quốc lên tới hàng tấn, anh Hòa cho biết chỉ bán được vài chục kg, cùng lắm là 2-3 tạ hàng Việt. Các sạp hàng khi thu gom hàng nội cũng rất kén chọn, chỉ lọc những loại ngon vì sản phẩm thiếu đồng đều.
Tại các siêu thị, nông sản Trung Quốc cũng bán rộng rãi. Hành tây, tỏi của Trung Quốc được bày bán trong hệ thống Metro có kèm nhãn và giá đầy đủ: Hành giá 11.500 đồng một kg, tỏi bông sen giá 27.500 đồng...
Nhân viên tại siêu thị cho biết hàng dù là Trung Quốc hay Việt Nam đều được kiểm tra khắt khe, đủ tiêu chuẩn mới được lên kệ. Mặt hàng Trung Quốc có ưu điểm là mẫu mã đẹp và giá ổn định. "Hành tây Việt thời gian gần đây số lượng nhiều nên giá mới rẻ chứ bình thường luôn cao hơn hàng Trung Quốc", nhân viên ở đây cho hay.
Là chủ một nhà hàng ở quận 2, anh Toàn chia sẻ mỗi lần đi mua hành tây, anh thường mua với số lượng lớn và nguyên liệu phải đủ kích cỡ để dễ chế biến. Thông thường hành Đà Lạt củ nhỏ, chế biến rất vụn và khó để lâu nên anh không mua. Còn tỏi Việt nhiều tép nhỏ lại khó bóc nên chế biến rất cầu kỳ và lâu.
Bị hàng Trung Quốc lấn lướt ở thị trường nội địa, nông sản Việt xuất khẩu cũng khó khăn, đa phần xuất tiểu ngạch và thường bị ách tắc ở cửa khẩu khi vào vụ thu hoạch rộ. Trong một phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đã cho hay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong quý I giảm tới 500 triệu USD. Sự sụt giảm trong lĩnh vực nông sản đã kéo theo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2015 cả nước chỉ đạt xấp xỉ 7%, trong khi mục tiêu đặt ra là 10%.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đánh giá, nông sản Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, sự sụt giảm của mặt hàng xuất khẩu trong thời gian gần đây bị ảnh hưởng trực tiếp lớn từ thị trường này.
"Cơ quan chức trách cần vào cuộc nhiều hơn nữa, tạo liên kết giữa nhiều nhà, từ nông dân đến doanh nghiệp để quy hoạch sản xuất nông nghiệp bài bản hơn, sản phẩm chất lượng cao đáp ứng không chỉ trong mà cả ngoài nước", bà Mai nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng cho biết, thời gian gần đây hàng về chợ dồi dào khoảng 3.200 - 3.500 tấn một đêm. Trong đó, nông sản Trung Quốc chiếm 15-25%. Hành tây, trái cây, súp lơ... là những mặt hàng chiếm số lượng lớn. Giá cả nông sản mùa vụ này cũng rẻ hơn khoảng 10% so với trong Tết, chỉ có một số mặt hàng trái cây, rau củ phục vụ mùa nóng giá cao hơn so với bình thường 5-15%.
46. Diện tích hồ tiêu Việt đang phát triển quá nhanh
Theo TS Lê Ngọc Báu việc diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây thâm canh cao độ sẽ là những yếu tố khiến mặt hàng này đứng trước nhiều thách thức nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.
Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, trong 3 năm trở lại đây, ngành hồ tiêu của Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt trên 79.000 ha, trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chiếm 51,6%, các tỉnh Đông Nam Bộ chiếm 39,6% diện tích hồ tiêu của cả nước.
Đặc biệt, năng suất hồ tiêu bình quân của cả nước đã đạt 2,16 tấn tiêu khô một ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới và đạt sản lượng 146.000 tấn, tăng 36.000 tấn so với năm 2011 và tăng 133.000 tấn so với năm 1997.
Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn tiêu bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh… gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
TS Lê Ngọc Báu kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ như hiện nay thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận với các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư.
Mặc dù là một trong những nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất hồ tiêu.
Hồ tiêu Việt Nam có năng suất xếp vào loại cao nhất thế giới.
Thực tế, trong sản xuất hồ tiêu hiện nay đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và nhiều kinh nghiệm quý cùng với các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao thành công cần sớm được tổng kết, nhân rộng cũng như hoàn thiện, ban hành quy trình canh tác hồ tiêu bền vững.
Trong sản xuất, sinh trưởng cây tiêu trồng trên cây trụ sống (phổ biến các cây lồng mứt, keo dậu, mít, vông gai, anh đào giả, muồng cườm, gòn) trong những năm đầu có chậm hơn so với trồng trên các cây trụ gỗ chết, trụ bêtông nhưng vào thời kỳ kinh doanh ổn định, các vườn tiêu trụ sống có lợi thế hơn về chiều cao trụ nên thu được năng suất cao không thua kém các loại trụ khác.
Đặc biệt, qua nghiên cứu cho thấy, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống không những có năng suất tiêu ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do quá sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết mà còn tỷ lệ vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm ở vườn tiêu trồng trên trụ chết cao hơn gấp 5 lần so với vườn trồng bằng trụ sống.
TS Lê Ngọc Báu cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật như biện pháp tạo bồn, đào mương thoát nước, bón phân hữu cơ góp phần hạn chế sự lây lan, phát triển của bệnh chết nhanh, quản lý sâu bệnh hại trên cây tiêu bằng biện pháp tổng hợp, tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến công, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về cây hồ tiêu từ việc chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác đến phòng trừ sâu bệnh để tạo điều kiện phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• “Dấu ấn” trong xuất khẩu trái cây năm 2016 (31/12/2016)
• Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2016 đạt 7 tỷ USD (30/12/2016)
• 2016 là năm khó khăn với các nước xuất khẩu gạo (29/12/2016)
• Xuất khẩu năm 2016: nhiều điểm sáng (27/12/2016)
• Sóc Trăng thắng lớn vụ tôm 2016 (27/12/2016)
• Ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu từ 5-6 tỷ USD vào năm 2030 (27/12/2016)
• Xuất khẩu thủy sản sang liên minh Châu Âu (EU) (19/12/2016)
• Tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015 (19/12/2016)
• Xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2016 (17/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỉ USD (16/12/2016)
TIN TỨC CŨ