Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu rau quả, kỳ vọng 2 tỉ đô năm 2015
07/10/2015
Thừa chất lượng, thiếu thương hiệu
 Theo Vinafruit, rau quả Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nếu làm tốt công tác thị trường, nâng cao chất lượng sau thu hoạch, đóng gói bảo quản, xây dựng thương hiệu cho nông sản như: chỉ dẫn địa lý cho rau quả, tuân thủ nghiên ngặt quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn toàn cầu Globalgap…
 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2014, xuất khẩu rau quả đạt 1,49 tỉ USD, tăng 36,2% so với năm 2013. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp ngành rau quả xuất khẩu lọt Top hàng xuất khẩu 1 tỉ USD. Theo Vinafruit, xuất khẩu rau quả năm 2015 có triển vọng tăng lên 2 tỉ USD nhờ các cú hích từ chính sách mở cửa thị trường của các đối tác nhập khẩu lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hoa quả tươi (thanh long, vải, nhãn, chôm chôm…) rau xanh Đà Lạt…
 
Giới chuyên môn cho biết, trở ngại nhất khiến rau quả Việt Nam khó xâm nhập thị trường các quốc gia khó tính không phải là chất lượng sản phẩm mà là nhận diện thương hiệu và đáp ứng các tiêu chuẩn trồng, thu hoạch và bảo quản sạch của nước sở tại và của thế giới.
 
Theo ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam: “Nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ quả của Việt Nam có thừa chất lượng nhưng rất thiếu bộ nhận diện thương hiệu. Các chỉ dẫn địa lý mới chỉ áp dụng cho thanh long ruột đỏ, các mặt hàng khác không được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nên rất khó đi vào các chợ, trung tâm thương mại của các nước. Sản phẩm được tiêu thụ vẫn phần lớn do cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và bán được nhiều chủ yếu là do  các đối tác nước ngoài chủ động nhập khẩu, đóng gói theo quy trình và công nghệ tiên tiến”.
 
Hai tháng đầu năm 2015, thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT xuất khẩu trái cây cả  nước đã đạt 945 tấn, bằng ¼ so cả năm 2014. Thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam. Dự kiến năm 2015, các mặt hàng vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, soài, vú sữa sẽ được mở cửa tại Mỹ, Úc, các nước EU và Nhật Bản bởi năm 2014 nhiều nước đã cho phép nhập khẩu các mặt hàng này.
 
Năm 2015, rau xanh Đà Lạt cũng lên kế hoạch xuất khẩu ngược lại vào Nhật Bản. Các loại rau xanh này được trồng theo công nghệ Nhật Bản, đáp ứng các tiêu chuẩn trồng, chăm sóc và thu hoạch của Nhật Bản và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ngược trở lại Nhật Bản.  Đây là mặt hàng đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch của Nhật Bản và Globalgap.
 Theo đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ có tất cả
 Mặc dù chất lượng tốt nhưng mặt hàng rau quả Việt vẫn chưa được đi xa do các hạn chế cố hữu của nền sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ và phụ thuộc 1 thị trường. Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu hoa quả lớn nhất của việt Nam năm 2013, 2014 với kim ngạch đạt hơn 435 triệu USD (chiếm 29% tổng kim ngạch) năm 2014.
 
Năm 2015, các viễn cảnh tươi sáng cho rau quả của Việt Nam khi nhiều sản phẩm sẽ được xuất khẩu vào các thị trường khó tính. New Zealand đã cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam và đang xem xét mở cửa cho xoài Việt Nam. Hàn Quốc tiếp tục đồng ý nhập khẩu vú sữa, Australia nhập khẩu xoài, thanh long. Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu nhãn, vải, táo, xoài của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh Việt Nam cũng được nhiều bạn hàng để mắt tới, mới đây một lô hàng xuất thành công sang Đức. Các doanh nghiệp tại Séc,Hà Lan, Australia, Canada đã đặt hàng với số lượng lớn.
 
Tuy nhiên xuất khẩu rau quả được đánh giá là lính du kích bởi thị trường của ngành này vẫn còn bấp bênh. Tỷ trọng xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang các nước có thị trường giá trị cao như Nhật, EU, Mỹ, Úc  không nhiều khiến giá trị gia tăng của mặt hàng này không nhiều và thường gánh chịu rủi ro. Theo Vinafruit, trong các điều kiện để gia tăng xuất khẩu, chỉ cần áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn Globalgap, rau quả Việt Nam sẽ tự vươn xa không chỉ 2 tỉ USD/năm.
 
Cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên không nhiều các doanh nghiệp này có giấy phép xuất khẩu sang các nước, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm đầu mối thu mua và bán lại cho các thương lái nước ngoài để ăn chênh giá nên chưa có chiến lược xâm nhập thị trường bài bản đến từng thị trường.
http://fica.vn/ 
Ý kiến bạn đọc