Nông, lâm thủy sản
Thị trường Cá Ngừ xuất khẩu giảm mạnh
12/07/2014

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, thêm 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 203,8 triệu USD.

XK sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và ASEAN suốt từ cuối năm ngoái tới nay vẫn đang rất ảm đạm. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản và ASEAN giảm liên tục từ đầu năm. Hiện tại, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ và ASEAN vẫn tiếp tục giảm qua các tháng.

Còn tại thị trường Nhật Bản, mặc dù bước vào quý II, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam của từng tháng so với cùng kỳ năm ngoái đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm từ đầu năm nên tổng giá trị XK cá ngừ sang đây vẫn giảm hơn 60%.

Thị trường EU mặc dù vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng, nhưng sau 5 tháng tốc độ tăng trưởng đang ở mức rất thấp, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này khiến cho triển vọng XK cá ngừ của Việt Nam từ giờ tới cuối năm rất đáng lo ngại.

Một trong những nguyên nhân chính khiến XK cá ngừ giảm sút là các nước NK ngày càng thắt chặt các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm soát biên giới. Như Mỹ đã có hệ thống điện tử cảnh báo các DN XK vào Mỹ khi bị phát hiện vi phạm ATTP theo quy định, khi đó các DN sẽ bị liệt vào “danh sách đỏ” (không được phép NK vào Mỹ). Và điều đáng quan tâm là, danh sách này rất ít khi được trực tiếp Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (USFDA) chủ động tháo dỡ kể cả khi DN không còn bị cảnh báo.

Còn tại EU, nhất là Đức và Italia, sau các vụ gian lận thương mại các nước này đã tiến hành kiểm tra DNA nhiều lô hàng cá ngừ để xác minh loài cá này như là một biện pháp tăng cường kiểm soát về gian lận thương mại thời gian gần đây.

Ngoài những khó khăn tại thị trường NK, các DN còn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước. Việt Nam vốn là nước có trữ lượng lớn về cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, đây là loài di cư xa, tốc độ di chuyển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên để khai thác được cá ngừ đại dương, cần phải có trình độ khoa học công nghệ nhất định mới có thể khai thác hiệu quả. 

Ở Việt Nam, tàu thuyền, ngư lưới cụ và công nghệ khai thác còn hạn chế. Cùng với đó, công tác dự báo ngư trường để hỗ trợ cho ngư dân chưa mang lại nhiều hiệu quả. Điều này đã làm cho sản lượng khai thác của chúng ta còn ở mức thấp và không bền vững.

Ý kiến bạn đọc