Trước thực tế hiện nay, ngành cá tra Việt Nam phải tổ chức lại thị trường xuất khẩu một cách căn cơ, bài bản hơn để chủ động ứng phó và vượt qua những rào cản.
Vài năm gần đây, cá tra Việt Nam liên tiếp vấp phải những rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Mới đây nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm cao gấp đôi so với đợt rà soát trước. Thực tế này đòi hỏi ngành cá tra Việt Nam phải tổ chức lại thị trường xuất khẩu một cách căn cơ, bài bản hơn để chủ động ứng phó và vượt qua những rào cản.
Ngành cá tra Việt Nam thời gian qua chưa xây dựng được chiến lược thị trường xuất khẩu tốt. Trong đó, vai trò hỗ trợ của Hiệp hội còn mờ nhạt trong chủ động giải quyết các tranh chấp thương mại. Còn phía doanh nghiệp lại cạnh tranh lẫn nhau, chưa mạnh dạn đa dạng hóa sản phẩm nhằm phân tán rủi ro. Tình trạng tập trung xuất khẩu một vài mặt hàng với khối lượng lớn vào một nước, nhưng chưa làm chủ được giá là cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ nhấn mạnh nghịch lý: "Từ nuôi trồng đến chế biến, người chăn nuôi chi phí từ 2,5 đến 3 USD. Nhà nhập khẩu chuyển vào cửa hàng giá nâng lên 10 USD, còn bỏ vào tủ đông bày bán giá nâng lên 15-17 USD. Chuỗi giá trị này phân chia như vậy là không hợp lý".
Xuất phát từ thực tế trên, ngành cá tra cần nhanh chóng tổ chức lại thị trường xuất khẩu. Trong đó, hướng chủ đạo là sắp xếp, cơ cấu lại đầu mối xuất nhập khẩu có lúc lên đến 400-500 đơn vị xuất khẩu, 300-400 nhà nhập khẩu để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Một công việc cấp bách hiện nay nữa là xây dựng chiến lược định giá nhằm định vị sản phẩm trên thị trường.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: "Chúng ta phải tổ chức lại xuất khẩu trong đó sắp xếp lại doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng có điều kiện. Mặt khác quan tâm hơn nữa việc xúc tiến thương mại cũng như xây dựng thương hiệu".
Trước xu hướng tăng bảo hộ của các nước nhập khẩu, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ kiện bán phá giá. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động tìm kiếm biện pháp phòng tránh và đối phó thích hợp. Đây là nhu cầu tất yếu không chỉ đối với ngành cá tra mà cả các sản phẩm chủ lực khác như dệt may, da giày, gạo, tôm...