Nông, lâm thủy sản
Thủy sản gặp khó với rào cản thương mại
10/07/2013

Thị trường nhập khẩu (NK) sụt giảm nghiêm trọng, các rào cản kỹ thuật, thương mại không ngừng gia tăng đã tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu (XK( thủy sản và để tháo gỡ những khó khăn này, doanh nghiệp (DN) thủy sản rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2012 là năm ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong những năm qua (chỉ tăng 0,7%), do rào cản từ các thị trường NK và tình trạng thiếu vốn của DN sản xuất.

Cụ thể, năm 2012 Việt Nam XK thủy sản đi 156 thị trường, trong đó 10 thị trường NK thủy sản của Việt Nam lớn nhất là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Australia, Canada, Mexico, Nga, chiếm khoảng 85% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, XK thủy sản sang các thị trường chính đều tăng trưởng chậm lại, trong đó thị trường EU bị sụt giảm liên tục từ đầu năm (giảm 11% trong cả năm) do khủng hoảng nợ công ảnh hưởng đến nhu cầu mua hàng và khả năng thanh toán của các nhà NK trong khối.

Nhu cầu giảm sút, các thị trường NK cũng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Ví dụ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã dựng rào cản về kỹ thuật dư lượng chất Ethoxyquin với con tôm Việt Nam năm 2012 hay việc Hàn Quốc ngưng NK cá khô Việt Nam từ giữa năm 2012. Trung Quốc cũng bắt đầu dựng lên rào cản kỹ thuật với thủy sản NK từ Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ kiện tôm nước ấm NK từ 7 nước trong đó có Việt Nam nhận trợ cấp từ Chính phủ.

“Tôm Việt Nam sẽ tiếp tục hứng chịu một rào cản thương mại mới, nếu kết quả đối phó vụ kiện không thành công có thể tạo tiền lệ xấu cho các vụ kiện chống trợ cấp khác đối với các sản phẩm nông nghiệp XK từ Việt Nam”, ông Hòe lo lắng. 

Bên cạnh đó, dịch bệnh, hội chứng tôm chết sớm làm giảm sản lượng tôm nuôi, thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng mạnh và giá nguyên liệu không ổn định, nhiều hộ nuôi tôm và cá tra bỏ ao làm cho nguồn nguyên liệu cho chế biến XK bấp bênh. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách tín dụng cho ngành tôm và cá tra, nhưng điều kiện và thủ tục tiếp cận vay vốn còn khó khăn, các ngân hàng vẫn thận trọng cho người nuôi và DN thủy sản vay vốn. 

Bước sang năm 2013, VASEP vẫn lo ngại rằng, XK thủy sản sẽ “đuối sức” bởi những khó khăn trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, XK của DN trong ngành. Bởi vậy, để hoàn thành kế hoạch trong năm 2013, VASEP kiến nghị, bên cạnh việc hỗ trợ cho các hoạt động tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm thị trường, Bộ Công Thương có một chương trình chiến lược dài hạn giai đoạn 2013-2020 cho hoạt động quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam thông qua các chiến lược marketing mang tính quốc gia cho ngành hàng, chiến lược tại các thị trường trọng điểm đối với thủy sản là 2 mặt hàng chủ lực tôm và cá tra.

Hơn nữa, việc hoàn thiện các văn bản, chính sách trong điều hành và quản  lý xuất, nhập khẩu tạo thuận lợi cho DN là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi và còn tồn tại hàng loạt khó khăn trong nước như thiếu vốn, giá cả đầu vào tăng cao…

Trong thời điểm hiện nay, vụ kiện tôm đã gây áp lực lớn cho DN XK tôm. Do vậy, VASEP đang chuẩn bị bằng chứng để chứng minh thủy sản trong nước không nhận sự trợ cấp từ Chính phủ như cáo buộc của Liên minh khai thác tôm Hoa Kỳ. Theo kinh nghiệm từ cách ứng phó của DN Việt Nam trước đơn kiện của nước ngoài cho thấy, mỗi đơn vị nên chuẩn bị đầy đủ chứng cứ để chứng minh không vi phạm như nội dung cáo buộc, nhất là DN không nhận trợ cấp từ Chính phủ.

Ông Hòe cũng kiến nghị, với kinh nghiệm qua các vụ kiện trước đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chủ trì chương trình chống kiện, chủ động trong việc chọn và thuê luật sư nước ngoài và phối hợp cùng các bộ ngành liên quan đối phó thành công trong vụ kiện này. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các hoạt động vận động hành lang cần thiết cho các đợt xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra.

Ý kiến bạn đọc