Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nội dung mà Diễn đàn lần này hướng tới là quán triệt các quan điểm hợp tác quốc tế theo tinh thần của Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến 2020” (Quyết định số 80/2008/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ).
Thương hiệu biển Việt Nam biểu hiện cho hình ảnh một quốc gia không chỉ giàu về tài nguyên biển mà còn có lịch sử - văn hóa biển lâu đời, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng quốc tế, phản ánh xu thế phát triển và vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam như một “miền đất hứa”, tất cả đó là do thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đất nước ta đặc trưng “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền,” trong đó diện tích biển chiếm khoảng một triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền.
Với chủ trương “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới” được Đảng ta xác định từ Đại hội VII năm 1991, hội nhập quốc tế với nội dung cơ bản là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước cũng như tham gia các tổ chức trong khu vực và thế giới đã trở thành vấn đề được Việt Nam hết sức quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác cùng khai thác và phát triển vùng biển.
Thực tế cho thấy, tuy có những thế mạnh về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, sản vật dồi dào và có chính sách vĩ mô phù hợp, song nhiều năm qua nền kinh tế biển của chúng ta chưa thật sự phát triển. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì giá trị hoạt động kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nào khiến nền kinh tế biển của nước ta chưa thật sự “cất cánh” là bởi, về mặt hợp tác quốc tế, còn 3 tồn tại cơ bản, đó là năng lực hợp tác của các cơ quan phụ trách hợp tác khai thác biển; trang thiết bị trên tàu thuyền, kỹ thuật thăm dò, khai thác tài nguyên còn hạn chế; các vấn đề về chủ quyền mà không ít các quốc gia ngại việc hợp tác trên biển Đông với Việt Nam.
Ngoài ra, một điều cũng không kém phần quan trọng đó là khuôn khổ hợp tác khai thác biển Việt Nam với các nước còn chưa được hoàn thiện.
Do vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP cả nước, phát triển kinh tế biển Việt Nam trở thành thương hiệu mạnh trên trường quốc tế, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh vùng biển Việt Nam để tận dụng hết mức các quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước nhằm khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên biển hiệu quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khắc phục những tồn tại trong mối quan hệ hợp tác với các nước bằng cách áp dụng những mô hình hợp tác thành công đang có với Trung Quốc, Malaysia, Philippines để giải quyết các tranh chấp hiện còn tồn tại với các nước; xây dựng cơ sở luật pháp vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác quản lý, xây dựng hoàn thiện các thể chế luật pháp trong nước, các cơ chế hợp tác; thực hiện nhất quán, đồng bộ chủ trương từ Trung ương đến địa phương; chú trọng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế.
Cuối cùng là xây dựng thương hiệu biển Việt Nam từ thế mạnh địa lý, thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người Việt, nhằm nâng cao, quảng bá hình ảnh vùng biển tươi đẹp, giàu tiềm năng của Việt Nam ra bạn bè quốc tế.