Nông, lâm thủy sản
Nước ngoài thâu tóm thị trường cà phê Việt
11/06/2013

Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Nestlé, Mondelēz International… đang dồn dập rót vốn vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê.

Tăng vốn đầu tư

Mở màn trong làn sóng đầu tư này là Công ty Mondelēz International. Đây là thương hiệu kinh doanh cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, sở hữu các thương hiệu Jacobs, CarteNoire và Kenco. Đầu tháng 7, Mondelēz International công bố mở Trung tâm tập huấn cà phê đầu tiên dành cho nông dân để thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.

Trung tâm này là một trong số hoạt động thuộc chương trình phát triển bền vững của Mondelēz International có tên gọi “Coffee Made Happy” với cam kết đầu tư 200 triệu USD để hỗ trợ nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020. Theo đó, Mondelēz International sẽ tập trung đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp.

Mục đích nhằm hỗ trợ người trồng cà phê gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng hạt. Với khoản đầu tư trên, Mondelēz International kỳ vọng tạo ra nguồn cung ứng ổn định khoảng 7.000 tấn cà phê, đáp ứng các tiêu chuẩn 4C.

Mới đây, tại khu công nghiệp Amata TP Biên Hòa (Đồng Nai), Công ty Nestlé Việt Nam tiếp tục khánh thành Nhà máy chế biến cà phê mới với tổng vốn đầu tư 230 triệu Franc Thụy Sĩ. Nhà máy sản xuất cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 1995-2012, Nestlé đã tăng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ 25 triệu USD lên mức hơn 450 triệu USD. Như vậy, nhà máy chế biến cà phê mới sẽ giúp ông lớn trong ngành cà phê này tối ưu hóa hơn nữa chuỗi cung ứng cà phê, bao gồm việc gia tăng thu mua cà phê trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trồng cà phê. Trong năm 2012, Nestlé cũng đã tiến hành tập huấn cho khoảng 19.600 nông dân trồng cà phê.

Ông Wayne England, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nestlé khu vực Đông Dương, chia sẻ: “Việc đưa vào hoạt động nhà máy cà phê hiện đại tại Việt Nam sẽ giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong khu vực, sản xuất các sản phẩm Nescafé theo nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng. Việt Nam là một phần rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Nestlé tại khu vực Đông Dương. Cam kết tiếp tục đầu tư thể hiện niềm tin tưởng vững chắc của chúng tôi với Việt Nam”.

Lợi thế cạnh tranh

Hiện nay 12 DN FDI hàng năm thu mua và xuất khẩu khoảng 60% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Sở dĩ có lợi thế này do sự canh tranh giữa DN FDI và DN nội trong lĩnh vực cà phê hiện nay không cân xứng.

Theo đó, ngoài tiềm lực tài chính mạnh, vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp, khi đầu tư vào Việt Nam DN FDI luôn được ưu đãi về thuế. Như tại tỉnh Đắk Lắk, nơi chiếm trên 50% khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, chỉ vài DN FDI đã mua trên 60% sản lượng cà phê của tỉnh.

Với đà phát triển của DN FDI, DN cà phê trong nước đang lo mất khả  năng kiểm soát giá cả và yếu thế khi thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk), nhận định: “Việc tranh mua nguyên liệu cà phê của các DN FDI đã ảnh hưởng đến quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến cà phê, khiến nông dân đua nhau trồng cà phê khi giá tăng cao, đồng thời nhiều DN nội lâm vào tình cảnh khó khăn do không có nguyên liệu chế biến”.

Thực tế đã cho thấy, vài năm trở lại đây, nhiều DN cà phê trong nước có mức nợ xấu cao, hàng loạt DN đối mặt nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ. Đơn cử, từng là DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của cả nước và sớm lên sàn chứng khoán, tuy nhiên hiện nay CTCP Tập đoàn Thái Hòa (mã THV) phải hủy niêm yết cổ phiếu do đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng.

Trước thực trạng này, được biết mới đây Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ và đề nghị bổ sung mặt hàng cà phê vào danh sách được giãn trả nợ vay tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng. Nguyên nhân cần hỗ trợ theo bộ này do DN thiếu vốn, phải vay vốn với lãi suất cao (trung bình 17%/năm), dẫn đến không thể cạnh tranh với DN FDI. Để tồn tại, vượt qua khủng hoảng, không ít DN phải vay với lãi suất 24%/năm khiến kết quả kinh doanh càng lỗ nặng. 

Ý kiến bạn đọc