Nông, lâm thủy sản
Ưu tiên xuất khẩu gạo chất lượng cao
25/06/2016
Dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn; trong đó, ưu tiên xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,732 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn; trong đó, ưu tiên xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao nhằm nâng giá trị.

Như vậy, tổng lượng xuất khẩu gạo năm nay sẽ tương đương với xuất khẩu gạo của năm 2015.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% so với cùng kỳ năm ngoái; giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn.

Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, cộng với lượng gạo đã xuất khẩu 5 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty xuất khẩu 2,750 triệu tấn lúa, gạo, xấp xỉ cùng kỳ năm 2015.

Trong 6 tháng cuối năm, khả năng còn xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn, nếu như trong vụ Thu Đông, Mùa 2016 các địa phương tổ chức sản xuất tốt, tăng sản lượng lúa gạo, nhất là các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, sẽ có nguồn nguyên liệu để xuất khẩu số lượng lớn hơn.

Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% lên 29% trong năm nay.

Tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh số lượng và theo đó, từ chiếm 6,58% tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2015 nhưng trong 6 tháng đầu năm đã chiếm 16% tổng số lượng xuất khẩu gạo.

Ông Huỳnh Thế Năng cũng cho biết, thị trường xuất khẩu cho Philipines, Indonesia sẽ có vào các tháng cuối năm 2016.

Đặc biệt, giá mua lúa, cũng như giá xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, nếu có hợp đồng xuất khẩu giá sẽ tăng dần và khả năng tăng đột biến.

Ông Năng đề nghị các tỉnh, thành cần quan tâm đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và đề nghị bà con nông dân sản xuất lúa Hè Thu và vụ Thu Đông, mùa 2016 cần thiết phải sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, nhằm nâng cao chất lượng gạo cho xuất khẩu, người nông dân cũng tăng thêm thu nhập.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhìn nhận, trong canh tác vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long quan trọng nhất là gia cố đê bao an toàn, không nên chủ quan vì nhiều năm liền nơi đây không có lũ.

Do đó, các cơ quan ban, ngành kịp thời đưa ra dự báo cho các địa phương, có định hướng cho vùng canh tác lúa, đồng thời kiểm soát dịch bệnh cho người nông dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thống nhất tăng diện tích vụ lúa Thu Đông cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương cần quy hoạch cụ thể diện tích ở đâu trồng lúa chất lượng, vùng nào trồng lúa hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để bà con nông dân sản xuất lúa Thu Đông và Mùa 2016.
Xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

Xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội nâng cao thương hiệu gạo Việt tuy nhiên đi kèm với cơ hội là hàng loạt thách thức đặt ra.

Xóa bỏ cơ chế độc quyền trong kiểm soát, thẩm định chất lượng sản phẩm và tiến tới xuất khẩu theo đường chính ngạch là nội dung quan trọng nhất của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước công bằng cạnh tranh nhằm nâng cao thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là hàng loạt thách thức đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta khi áp dụng Nghị định thư nói trên.

Thách thức dễ thấy nhất là phía các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ siết chặt vấn đề về chất lượng bằng việc cử nhiều đoàn trực tiếp đến kiểm tra tại các nhà máy xay xát gạo của Việt Nam. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xứ xứ gạo xuất khẩu theo quy định, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng và kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, với trị giá gần 1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm nhiều nhất với hơn 35%. Hiện Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhất của hạt gạo Việt Nam. Do đó, ngoài những giải pháp của doanh nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành liên quan nhằm giúp hạt gạo Việt Nam có thể trụ vững ở thị trường này bằng con đường chính ngạch.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc