Không thương hiệu, thiếu thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hoá chất hay truy xuất được nguồn gốc… là những điểm yếu khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường TPP khó gia tăng.
Khó vào thị trường lớn
TPP được xem là một thị trường rộng lớn cho hạt gạo Việt. Theo ước tính của FAO, mỗi năm Malaysia nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo; Mỹ nhập khẩu 700.000 tấn; Mexico nhập khẩu 700.000 tấn; Canada cũng có nhu cầu nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo mỗi năm…
Lấy ví dụ ngay tại thị trường Nhật Bản, mỗi năm khoảng 700.000 tấn gạo/năm, dù hợp tác song phương Việt – Nhật trong mọi lĩnh vực đều tiến triển nhưng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn được coi là thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay chưa có những dấu hiệu tích cực nào đủ cho thấy việc bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu được cải thiện.
Cty TNHH Lương thực Tấn Vương là một ví dụ trong câu chuyện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu gạo sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, châu Phi… Thậm chí, Công ty này có hẳn 500 ha trồng loại gạo japonica hạt tròn vốn là loại gạo thường dùng ở Nhật, đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP, có hệ thống giám sát chất lượng và bảo đảm an toàn… nhưng tìm mãi mà không có cơ hội vào thị trường Nhật. Lý do được đưa ra là phía Nhật có thể tự cung cấp gạo trong nội địa với các loại gạo đặc biệt mà ta không trồng được. Do đó gạo Việt xuất sang Nhật rất ít, chỉ khoảng 2 triệu USD/năm và chủ yếu là dạng đấu thầu chính phủ.
Theo đại diện thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hạt gạo Việt muốn sang Nhật thì chỉ có cách DN Việt phải liên kết với DN Nhật Bản chứ không thể trực tiếp tham gia đấu thầu. Đặc biệt, gạo Việt gần như không xuất hiện tại thị trường bán lẻ của Nhật. Gạo Việt chỉ dùng chính vào vài mục đích ở Nhật như làm hồ dán công nghiệp, xuất đi viện trợ cho châu Phi… “Thay vì xuất gạo thì DN nên tìm cách chế biến gạo thành các sản phẩm như rượu, bún, bánh gạo, phở… thì mới có cơ hội”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.
Cơ hội thâm nhập thị trường ngách
Thực tế là đã có một số doanh nghiệp tìm cách đưa gạo của mình sang các thị trường nhỏ với các sản phẩm đặc trưng, tức là chuyển từ gạo trung bình giá thấp sang gạo hữu cơ giá cao và đã có thành công. Chẳng hạn như gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú là một ví dụ, doanh nghiệp này có nông trại rộng 320 ha nằm cạnh vành đai rừng U Minh Hạ là vùng đất hoang sơ, chưa được khai thác. Đây là khu vực hội đủ các điều kiện tiên quyết để xây dựng nông trại đạt chuẩn canh tác hữu cơ của Mỹ và Châu Âu. Doanh nghiệp có 10 bộ giống lúa theo từng thị trường riêng, vừa là gạo hữu cơ, vừa làm gạo “chức năng” canh tác theo quy trình sạch, hoàn toàn không có hóa chất và đạt chuẩn canh tác hữu cơ Hoa Kỳ và châu Âu. Đến nay, sản phẩm gạo của Công ty đã được xuất sang Anh, Nga, Singapore… Từ sự khác biệt này, sản phẩm gạo có thể bán với trung bình cao hơn gạo thường từ 2-5 lần và thậm chí là 10 lần so với gạo thông thường.
Đánh giá về việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm đến các thị trường ngách, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thị trường xuất khẩu chính rất quan trọng, nhưng những thị trường nhỏ, thị trường ngách cũng quan trọng không kém. Đây là hướng đi quan trọng để DN không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào.
Bối cảnh xuất khẩu gạo quý II và III được các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục khó khăn do thiếu hợp đồng tập trung, cộng với đó là sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Pakistan…Vì vậy mà tìm đường đến các thị trường ngách chưa bao giờ phù hợp hơn lúc này đối với hạt gạo Việt.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp