Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu gạo quý 2 có thể đạt 1,5 triệu tấn
24/05/2016
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến xuất khẩu quý 2 của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn kế hoạch tháng trước 100.000 tấn.

Theo nhận định của VFA, xuất khẩu gạo trong quý 2/2016 có xu hướng sụt giảm, do thiếu hợp đồng tập trung, cộng thêm tình hình cung cấp hạn chế trước khi thu hoạch vụ Hè Thu.

Tính đến ngày 18/5, xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,072 triệu tấn, trị giá FOB trên 875 triệu USD, trị giá CIF 911,980 triệu USD, tăng hơn 15% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu gạo tăng là do xuất khẩu quý 1 tăng mạnh với hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng G-to-G với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, bước sang quý 2/2016, lượng gạo xuất khẩu và số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu mới không nhiều. Tính riêng trong tháng 4, sản lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt trên 453.000 tấn, trị giá FOB gần 212 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và 7,5% về trị giá FOB so với tháng 3/2016. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 cũng giảm trên 30% và trị giá FOB giảm 21,33%.
Xuất khẩu gạo trong tháng 4 không đạt kế hoạch đề ra khoảng 550.000 tấn, thấp hơn tháng 3 và cùng kỳ năm trước khá lớn do không còn hợp đồng tập trung. Bên cạnh đó, số lượng các hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo trong tháng 4 cũng đạt dưới mức trung bình và giảm đáng kể so với tháng 3 và cùng kỳ 2015, chủ yếu là gạo thơm và nếp.

VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm từ các nước nhập khẩu như Philippines, Indonesia và Trung Quốc, đây cũng 3 thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại tùy thuộc nhiều vào sản lượng thu hoạch vụ Hè Thu và Thu Đông. Nếu cung cấp hạn chế và giá không cạnh tranh, Việt Nam có nguy cơ mất thị phần về tay Ấn Độ và Pakistan. Trong tình hình hiện nay, giá gạo có xu hướng tăng nhanh, nếu có nhu cầu mới và rủi ro cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đến thời điểm hiện nay, thị trường gạo thế giới vẫn còn suy yếu, chưa có nhu cầu mới đáng kể và rõ nét, nhưng giá tăng ở một số nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.

Nguyên nhân chính là do tác động của hiện tượng El Nino gây hạn hán ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam khiến sản lượng giảm sút trong vụ chính vừa qua và đang ảnh hưởng đến các vụ mùa sắp tới.

Bên cạnh đó, các nhu cầu tiềm năng từ các thị trường tập trung trong thời gian tới bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc đã tác động đến giá chào từ các nguồn cung cấp này. Mặc dù vậy, xu hướng giá nói chung vẫn tiếp tục tăng, do tồn kho giảm và ảnh hưởng của hạn hán vẫn còn tác động đến sản lượng các nước nhập và xuất khẩu chính.

Liên quan đến việc Chính phủ Thái Lan thông báo bán hết 11,4 triệu tấn tồn kho gạo cũ trong vòng 2 tháng, nhiều hơn xuất khẩu cả năm, VFA cho rằng, đây chỉ là động thái để thăm dò thị trường chứ không thể thực hiện do không xác định được nhu cầu. Hầu hết sản lượng gạo này là gạo cũ, bao gồm 7,5 triệu tấn kém phẩm chất, 1,5 triệu tấn sử dụng cho công nghiệp và 2,4 triệu tấn bị hư hỏng.

Kế hoạch này được triển khai chậm và Bộ Thương mại Thái Lan chỉ thông báo tổ chức đấu giá 1,2 triệu tấn gạo vào ngày 19/5/2016.

Nguồn: TTXVN
Ý kiến bạn đọc