Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu cá tra bấp bênh
16/06/2016

Sau khi giá cá tra duy trì ở mức thấp trong năm trước, một số nông dân đã cắt giảm sản lượng cá tra và hiện nay nguồn cung cá tra đang ở mức thấp.

Năm 2015, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường chính như EU, Mỹ giảm do có nguồn cung từ cá tuyết thay thế. Một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Asean cũng khuyến khích dùng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu. Doanh nghiệp không bán được hàng đã không thể nhập cá của nông dân và khiến nhiều hộ bỏ trắng ao nuôi. Năm 2016, dù giá cá có khởi sắc, nhưng người nuôi vẫn không dám thả nhiều. Hiện các hộ chủ yếu nuôi cá theo phương án "gia công" cho doanh nghiệp để tránh giá tăng giảm bất thường.

Vào khoảng cuối tháng 4, giá cá tra xuất đi châu Âu ở mức 2,2 - 2,3USD/kg trong khi đó giá cá tra nguyên liệu cũng tăng từ 17.000 - 18.000 đồng/kg lên mức 21.000-22.000 đồng/kg. Tuy nhiên sang tháng 5 giá cá tra lại giảm xuống 1.000-2.000 đồng. Tính đến tháng 5/2016, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 989 ha cá tra với sản lượng 314.140 tấn. So với cùng kỳ năm 2015, diện tích và sản lượng đều giảm, lần lượt là 22% và 13%.

Xuất khẩu cá tra trong quý 1 đạt 365.4 triệu USD tăng nhẹ 2,4% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 63,6 triệu USD, giảm 6,8%, sang ASEAN giảm 0,4%, Mexico giảm 32,8%, Colombia giảm 20,3%, Ả rập Xê Út giảm 11,8%. Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường lại tăng Hoa Kỳ 3,4%, Hong Kong, Trung Quốc tăng 32,6% so với cùng kỳ nam 2015, riêng Brazil tăng trưởng tới 542,2%. Mặc dù vậy, dự báo, xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2016 có thể giảm 5% so với năm 2015, đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

 

 

57 nhà máy chế biến cá da trơn VN đủ điều kiện XK vào Mỹ

Thông tin được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chiều nay 13/6, cho biết sau khi đơn vị này có đề nghị, FSIS đã chấp thuận bổ sung thêm 12 nhà máy chế biến cá da trơn của Việt Nam vào danh sách các nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ theo chương trình thanh tra các loại cá thuộc họ Siluriformes của quốc gia này.

Như vậy, tính đến nay đã có tổng cộng 57 nhà máy cá da trơn của doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ theo chương trình thanh tra nêu trên của Mỹ.

Theo Nafiqad, hiện vẫn còn bốn nhà máy đã được đơn vị này đề nghị FSIS công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ, nhưng chưa được chấp thuận. Nafiqad sẽ trao đổi, làm rõ thêm và đề nghị FSIS sớm đưa bốn nhà máy này vào danh sách đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ.

Còn đối với 12 nhà máy vừa được FSIS đưa vào danh sách, Nafiqad yêu cầu những đơn vị này chủ động rà soát hệ thống tự kiểm soát để các lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ đáp ứng được các yêu cầu FSIS đề ra.

Nguồn thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc